Báo động ô nhiễm môi trường tại các bãi biển

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/05/2014

(TN&MT) - Vào mùa du lịch cao điểm, các bãi biển ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng đông nghịt du khách đổ về nghỉ mát.
(TN&MT) - Vào mùa du lịch cao điểm, các bãi biển ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng đông nghịt du khách đổ về nghỉ mát. Số lượng nhà hàng, dịch vụ du lịch… tăng đột biến, khiến các bãi tắm bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, rác thải từ du lịch.
   
Nhà hàng, resort đua nhau x thi
   
  Những ngày gần đây, nắng nóng đã xuất hiện tại khu vực miền Trung, người dân và du khách nườm nượp đổ về các bãi biển ở Đà Nẵng để “giải nhiệt”. Theo Sở VHTT-DL TP.Đà Nẵng, trung bình các bãi biển Đà Nẵng thu hút từ 5 - 7 nghìn người mỗi ngày, đặc biệt, vào những ngày lễ hội con số này xấp xỉ 10.000 người. Với sự tập trung lớn du khách như vậy, biển Đà Nẵng hàng ngày phải chịu “áp lực” của sự ô nhiễm. Tình trạng nước thải sinh hoạt từ các nhà hàng ăn uống, các khu resort vào mùa cao điểm, đôi khi đổ trực tiếp ra biển đã làm ô nhiễm nguồn nước, gây bức xúc cho người dân và du khách.
   
  Mới đây, tại khu vực bãi tắm công cộng gần khu vực biển Mỹ Khê, xuất hiện những váng nước đục ngầu chảy ra bãi biển từ 2 miệng cống thoát nước mưa có bề rộng 2m, cao 2m ở ngay trong tường rào của Khu du lịch Hyaat Regency Đà Nẵng. Đặc biệt, có một ống nước màu đen bằng HPDE có đường kính khoảng 5cm được đưa thẳng ra bãi biển có nước chảy rất mạnh.
   
  Đà Nẵng đang tiến hành nâng cấp những khu du lịch hiện có và xây dựng thêm những khu du lịch mới. Phát triển du lịch đem lại nguồn thu cho ngân sách thành phố, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển nhiều nơi chưa theo đúng quy hoạch nên ảnh hưởng đến môi trường, giảm sút đa dạng sinh học…
   
Đã nhiều lần các bãi tắm ở biển Đà Nẵng phải chấp nhận “sống chung” với nước thải từ các nhà hàng, khu resort tuôn ra.
    
   
Còn bt cp trong quy hoch
   
  Theo ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, tuyến cống thoát nước đang ở trong phần đất của Khu du lịch Hyaat Regency Đà Nẵng chính là cống thoát nước mưa. Việc bố trí cửa xả nước mưa ra bờ biển có từ cách đây gần 10 năm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa) chính là một bất cập trong thiết kế, quy hoạch. “Trước đây, trong quá trình khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế các công trình thuộc Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, công ty đã kiến nghị đưa việc xây dựng tuyến ống thu gom nước thải sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, resort, nhà hàng, khách sạn... dọc tuyến đường Trường Sa về xử lý vào dự án này, nhưng không được”.  Ông Mai Mã nói.
   
  Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện và tiến tới toàn bộ các cơ sở dịch vụ du lịch phải hoàn thiện xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống thải chung của thành phố. Các đơn vị phải có thùng rác nắp đậy phân loại chất thải rắn. Cũng theo ông Điểu, việc tăng cường trồng cây xanh tại các cơ sở kinh doanh du lịch là một trong những chương trình phủ xanh đang được thành phố quan tâm. Theo một số chuyên gia trong ngành, việc chặt phá những hàng phi lao ven biển để thay thế bằng những cây khác là không nên, vì đây là loại cây có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan sinh thái, giúp chống nạn cát bay mỗi khi có gió bão mạnh.
   
  Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã lắp đặt từ 30 đến 50 thùng rác tại 5 bãi biển để người dân và khách du lịch bỏ rác vào thùng. Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng một máy sàn cát hiện đại để làm sạch bãi biển. Điều đáng nói, Đà Nẵng cũng đã cho xây dựng nhiều công trình vệ sinh công cộng ở các bãi biển và hàng trăm hộ kinh doanh ăn uống trên các bãi tắm cam kết về kinh doanh văn minh, lịch sự và thân thiện với môi trường trên biển.
   
  Thiết nghĩ, chính quyền Đà Nẵng cần xử lý rốt ráo các vấn đề ô nhiễm từ hệ thống nước thải của các nhà hàng, khách sạn, khu resort; đồng thời, có giải pháp sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch để giữ gìn vệ sinh, môi trường của bãi biển Đà Nẵng.
   
  Bài và ảnh: Xuân Lam – Võ Hà