Đà Nẵng: “Nóng” vấn đề xử lý nước thải y tế

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/05/2014

(TN&MT) - Quá tải nước thải y tế, nơi xuống cấp, nơi không có hệ thống xử lý đang là thực trạng ở nhiều bệnh viện và Trung tâm Y tế trên địa bàn thành phố Đà...
(TN&MT) - Quá tải nước thải y tế, nơi xuống cấp, nơi không có hệ thống xử lý đang là thực trạng ở nhiều bệnh viện và Trung tâm Y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Do ngân sách hạn hẹp, hầu hết dự án vẫn nằm trên giấy chờ kinh phí khiến cho câu chuyện xử lý nước thải y tế chưa bao giờ thôi “nóng”. 
   
Nước thi chy ra khu dân cư
   
  Từ năm 2000, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng di dời về địa bàn khu dân cư phường An Hải Tây. Hơn 10 năm TTYT tồn tại trong lòng khu dân cư cũng chính là thời gian hàng trăm người dân ở các tổ 50, 51, 24… phải sống chung với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Lê Đức Lưu, người dân tổ 51, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà bức xúc nói: “Nước thải từ Trung tâm y tế chảy thẳng ra khu dân cư, tạo thành dòng kênh đen sì, hôi hám. Mùa hè thì hôi thối nồng nặc, mùa mưa nước dâng nước đen sì tràn cả vào nhà, đem theo bao nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải y tế vào nhà. Chúng tôi kêu mãi mà cũng không thấu”.
   
  Ông Phan Ích Trí, Tổ trưởng tổ 51, phường An Hải Tây cho biết: “Các hộ dân trong khu vực đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng hơn chục năm rồi chưa thấy động tĩnh”.
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cúc - Phó Giám đốc TTYT quận Sơn Trà thừa nhận hệ thống xử lý nước thải, bể xử lý của Trung tâm bị hư hỏng, xuống cấp từ cách đây mấy năm, vì thế nước thải không thể đảm bảo theo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Theo ông Cúc, nước thải tại đây gồm hai loại: Nước thải sinh hoạt, nước mưa và nước thải từ các phòng phẫu thuật, xét nghiệm... Nước thải chỉ xử lý hóa chất sau đó xả ra cho ngấm ra đất, do không có đường ống đấu nối với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống của các hộ lân cận. Bộ Y tế đã có Văn bản đồng ý đầu tư cho TTYT quận Sơn Trà, dự kiến sẽ triển khai xây dựng thời gian tới.
   
  Tương tự, tình trạng tại TTYT quận Sơn Trà, tại TTYT quận Hải Châu, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ 9 năm qua cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, TTYT quận Hải Châu được giao chỉ tiêu 210 giường nhưng số giường thực kê tại đây lên tới gần 300 giường. Trong khi đó, công suất xử lý nước thải tại đây được thiết kế chỉ dành cho 150 giường bệnh. Vì thế, nước thải chỉ được xử lý phần thô rồi xả thẳng ra môi trường. 
   
  Còn tại TTYT dự phòng Đà Nẵng, Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm cho biết hiện đơn vị đã có phòng xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, vi trùng, vi khuẩn... nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng để đảm bảo an toàn cho hệ thống xét nghiệm. Bác sĩ Thạnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã có ý kiến nhiều lần nhưng vẫn chưa được bố trí vốn cho hệ thống xử lý chất thải lỏng”.
   
Ao nước chứa nước thải y tế của TTYT Quận Sơn Trà quanh năm bốc mùi hôi thối.
    
   
Ch đến bao gi?
   
  Đầu năm 2013, Bộ Y tế đã có Văn bản đồng ý đầu tư cho 3 đơn vị (Đà Nẵng đề xuất 6 đơn vị) gồm: TTYT quận Sơn Trà, TTYT quận Cẩm Lệ và Bệnh viện Tâm thần dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Ngày 1/11/2013, Bộ Y tế có Quyết định số 4387/QĐ-BYT phê duyệt danh mục và kinh phí đầu tư cho TP. Đà Nẵng đối với 3 đơn vị kể trên, tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, tất cả các cơ sở y tế tuyến thành phố (bao gồm các Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa, Trung tâm y tế chuyên ngành có phát sinh chất thải y tế), các TTYT quận, các bệnh viện tuyến Trung ương… trên địa bàn TP. Đà Nẵng đảm bảo thực hiện tốt việc xử lý nước thải đúng quy định về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo đại diện các bệnh viện, đến nay, dự án xử lý nước thải y tế vẫn nằm trên giấy, chờ kinh phí mới triển khai được.
   
  Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, nhiều bệnh viện buộc phải bỏ kinh phí để sửa chữa tạm thời. Gần đây nhất, TTYT quận Hải Châu đã chi gần 50 triệu đồng nâng cấp bể xử lý để vận hành đạt tiêu chuẩn môi trường. Còn tại TTYT quận Sơn Trà, mỗi lần bể chứa nước thải bị nứt, nước rò rỉ chảy vào nhà dân, lãnh đạo đơn vị này cũng chỉ biết khắc phục bằng cách thuê công nhân đến trát lại những chỗ bị nứt.
   
  Ông Phạm Thanh Nhàn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế) cho biết, hiện nay, xử lý nước thải y tế đang là bài toán nan giải của ngành y tế địa phương. Những cơ sở y tế được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải có nơi quá tải, có nơi không sử dụng cũng dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống khu dân cư. Hiện nay, 3 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã được xét duyệt tham gia dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện”, chỉ chờ kinh phí để triển khai. Còn lại, các bệnh viện khác vẫn phải tự khắc phục trong thời gian thành phố kêu gọi nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức.
   
  Bài và ảnh: Lan Anh - Võ Hà
       Đà Nẵng hiện có 8 Bệnh viện (1 Bệnh viện đa khoa, 7 Bệnh viện chuyên khoa); 7 TTYT quận, huyện; 7 Bệnh viện tư nhân và 5 Bệnh viện Trung ương, bộ, ngành. Hầu hết lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại đây luôn trong tình trạng quá tải, vượt chỉ tiêu giường bệnh được giao. Lượng nước thải ra mỗi ngày tại đây cũng đạt ở con số cao ngất ngưởng trong khi hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp nghiêm trọng.