Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Mỏ đá Hoàng Hà “tra tấn” khu dân cư

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2014

(TN&MT) - Dù nằm sát khu dân cư và đường quốc lộ nhưng mỏ đá Hoàng Hà có địa chỉ tại xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn được cấp phép khai thác.
(TN&MT) - Dù nằm sát khu dân cư và đường quốc lộ nhưng mỏ đá Hoàng Hà có địa chỉ tại xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn được cấp phép khai thác. Chính điều này đã khiến hơn 10 hộ dân nằm trong bán kính  khoảng 500m tính từ gương mỏ đang sống như bị “tra tấn”, nhà cửa rạn nứt, môi trường ô nhiễm và gây ra nhiều hệ lụy khác trong nhiều năm qua.
   
Toàn cảnh các mỏ đá hoạt động tại Hồng Lĩnh và Nghi Xuân gây ô nhiễm.
   
Nứt nhà, bụi bủa vây và mất đất sản xuất
   
  Theo người dân, mỗi lần công trường nổ mìn phá đá là nhà cửa rung chuyển, nhiều nhà vì vậy đã bị nứt tường, nứt dầm, nứt cả nền ximăng nhưng đã nhiều năm nay, hàng chục hộ dân thôn 2, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân đã tìm đến gõ cửa các cơ quan chức năng phản ánh nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm.
   
  Với số tiền hơn 500 triệu đồng do hai vợ chồng tích cóp nhiều năm lao động ở Đài Loan, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thành Luân (Nhà ở cách mỏ đá gần 300m), ở thôn 2 xã Xuân Lĩnh đã xây dựng ngôi nhà kiên cố và dự tính an cư sau khi về nước. Tuy mới hoàn thành vào năm 2011 thì nay tường đã rạn nứt, nhiều chỗ vết nứt dày đặc kéo dài đến gần 2m. Nguyên nhân của những vết nứt đó theo anh Luân là do nổ mìn khai thác đá của Công ty CP Hoàng Hà.
   
  Tương tự, tại căn nhà hai tầng của anh Nguyễn Tiến Ngạn gần đó cũng xuất hiện chi chít các vết nứt. Quan sát bên trong căn nhà của anh Ngạn, những vết nứt xuất hiện từ các cột nhà rồi kéo dài ra vách tường. Có nơi miệng vết nứt rộng khoảng 1-2cm. Anh Ngạn lo lắng cho biết: “Tôi thấy mỗi ngày vết nứt càng lan rộng nên đã nghĩ đến chuyện bán nhà nhưng chắc cũng không ai dám mua. Nhà này tôi mới tu sửa từ 2008 giờ bị như vậy cũng chưa biết tính sao, trong khi hiện nay phía mỏ đá vẫn tiếp tục cho nổ mìn phá đá.
   
  Đáng thương cho hoàn cảnh của em Trần Văn Đức (SN 1998), mồ côi cả bố lẫn mẹ (bố mất sớm, năm 2010 mẹ qua đời do tai nạn mỏ đá) nên bỏ học dở chừng. Năm 2011, qua các phương tiện truyền thông, các nhà hảo tâm đã quyến góp được 80 triệu đồng xây giúp em Đức một ngôi nhà (nằm cách mỏ đá khoảng 350m). Hiện nay em Đức đang hết sức lo lắng khi ngôi nhà nhỏ của mình xuất hiện rất nhiều vết nứt và ngày càng lan rộng khắp nhưng chẳng biết kêu ai.”.
   
Người dân thôn 2, xã Xuân Lĩnh phải quét dọn bụi dó Công ty Hoàng Hà chở đá gây ô nhiễm
    
   
  Ngoài chịu khổ với chuyện nổ mìn, người dân thôn 2, xã Xuân Lĩnh còn phải gánh chịu thêm ô nhiễm bụi đá và tiếng ồn. Theo phản ánh của các hộ dân, có những ngày công trường cho máy xay đá hoạt động từ lúc 5, 6 giờ sáng và chỉ nghỉ một giờ vào buổi trưa, sau đó lại xay đến 23 giờ đêm mới nghỉ. Bụi từ khi nổ mìn cho đến từ hàng chục chuyến xe to nhỏ vào ra chở đá, khổ nhất là mỗi lần công trường xay đá là bụi bay trắng trời, phủ đầy giường chiếu chăn màn. Trẻ con phải đưa đi gửi nhà người thân ở nơi khác...” - một người dân cho biết.
   
  Một vấn đề nữa chúng tôi được biết, mặc dù mỏ đá xây dựng Hoàng Hà được cấp phép và đi vào khai thác gần chục năm nay, người dân lúc đó được chính quyền sở tại vận động nhường đất sản cho doanh nghiệp và nhận hỗ trợ bồi thường nhưng đến nay số tiền đó vẫn chưa đến tay người dân?.
   
Mỏ đá tranh thủ “tận thu” vì sợ tỉnh thu hồi?
   
  Để tận mắt chứng kiến cách khai thác đá của Công ty CP Hoàng Hà, chúng tôi quyết định vào tận khu khai thác mỏ đá trong tiết trời nắng gắt, con đường dẫn vào điểm mỏ chung lối vào khu dân cư mù mịt bụi mỗi khi có phương tiện vận tải ra vào. Phải chọn thời điểm không có phương tiện qua lại mới có thể tiếp cận được, hai bên đường các hộ dân cũng đã chờ sẵn để bày tỏ những bức xúc lâu nay.
   
  Tại điểm sân mỏ, phóng tầm mắt về phía giàn xay và khu dân cư, chúng tôi không khỏi băn khoăn về khoảng cách an toàn mà các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh đã thực hiện trước khi cấp phép. Nếu khi nổ mìn để khai thác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hộ dân, đó chưa kể doanh nghiệp có thể lén lút sử dụng mìn vượt khối lượng tối đa cho phép.
   
  Quan trọng hơn nữa, khói bụi tại mỏ, những chiếc xe chuyên dụng vận chuyển vật liệu nối đuôi nhau mỗi lần ra vào khiến cho không gian bụi tại nơi này bao trùm toàn bộ khu dân cư. Mặc dù mức độ ô nhiễm có thể thấy được như vậy, nhưng thời điểm chúng tôi tiếp cận không thấy doanh nghiệp chủ động tưới nước như cam kết ban đầu.
   
Từ nhà anh Nguyễn Thành Luân vào mỏ đá cách khoảng 300m
    
   
  Ông Đặng Trung Thông, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Mỏ được cấp phép và đi vào hoạt động từ năm 2004,  đến năm 2015 rất có thể tỉnh sẽ thu hồi giấy phép theo chủ trương vì quá gần đường quốc lộ, doanh nghiệp cũng phải tranh thủ thời gian khai thác”. Theo đó, khi chúng tôi hỏi sau bản cam kết môi trường doanh nghiệp đã làm gì thì vị giám đốc này cho hay: “Chúng tôi đã chuẩn bị các dụng cụ tưới nưới, sắp tới sẽ thuê người làm để giảm bụi”. Nếu như hiểu theo cách của chủ mỏ thì có nghĩa thời gian qua đơn vị này đã không thực hiện đúng như cam kết ban đầu, mặc dù đã tiến hành khai thác gần mười năm nay...?!.
   
Mỏ đá Hoàng Hà
    
   
Người dân quá “nản” với cơ quan chức năng
   
  Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, tại công văn số 1090/TNMT-TTr ngày 25/04/2014 về việc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP Hoàng Hà tại thôn 2, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, kiểm tra tại khu vực khai thác đá, kiểm tra thực tế tại 4 hộ dân khu vực liền kề thấy rằng việc nhân dân phản ánh nứt, nẻ nhà cửa là có. Kiểm tra sổ theo dõi nổ mìn của Công ty từ tháng 1/2014 đến tháng 3/2014 phát hiện khối lượng nổ mìn được phép tối đa 150kg. Tuy nhiên, khi đưa ra kết luận, các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh lại cho rằng không có cơ sở để xác định nguyên nhân làm nứt nhà dân.
   
  Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân cho biết thêm: “Công ty CP Hoàng Hà gây ô nhiễm, nổ mìn làm rạn nứt tường nhà dân đã có kết quả kiểm tra của Sở TN&MT Hà Tĩnh trả lời. Bên cạnh đó, địa phương còn nhận được phản ánh Công ty Trường Hồng xay đá vào ban đêm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có xảy ra. Nhiều lần xã đã kiểm tra và thông báo cho công ty nhưng vẫn không có dấu hiệu ngừng”.
   
Theo người dân, việc kiểm tra chưa thực sự khách quan, ở chỗ khi có đoàn kiểm tra của tỉnh về, do phía công ty được báo trước nên họ đã có sự chủ động để đối phó.
    
   
  Xâu chuỗi những thông tin mà Sở TN&MT Hà Tĩnh trả lời công dân cho thấy, kết quả kiểm tra khiến người dân không khỏi hoài nghi trách nhiệm thực sự của cơ quan này. Cụ thể, Văn bản trả lời của Sở TN&MT với ông Nguyễn Thành Luân, thôn 2, xã Xuân Lĩnh ngày 17/12/2013 kết luận rằng: Khoảng cách từ gương mỏ của Công ty Hoàng Hà đến nhà anh Luân là 330m. Anh Luân tiếp tục có phản ánh, ngày 25/04/2014,  Sở TN&MT Hà Tĩnh tiếp tục kiểm tra và có kết luận khoảng cách nhà anh Luân đến gương mỏ là 303m...?.
   
  Một vấn đề nữa, theo người dân việc kiểm tra chưa thực sự khách quan, ở chỗ khi có đoàn kiểm tra của tỉnh về, do phía công ty được báo trước nên họ đã có sự chủ động để đối phó. Đề nghị các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh sớm vào cuộc làm rõ những nội dung phản ánh đầy bức xúc của người dân.
   
  Bài & ảnh: Đức Cảnh