Nghệ An: Nỗi buồn... dòng Lam

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 08/05/2014

(TN&MT) - Hàng chục tàu thuyền, sà lan ngày đêm vươn vòi “móc ruột” lòng sông. Hai ven bờ ngổn ngang những bến bãi tập kết cát sỏi trái phép...
(TN&MT) - Hàng chục tàu thuyền, sà lan ngày đêm vươn vòi “móc ruột” lòng sông. Hai ven bờ ngổn ngang những bến bãi tập kết cát sỏi trái phép... tất cả như đang cố gắng “bức tử” dòng sông đã từng đi vào thơ ca, nhạc, họa.
   
Còn đâu Lam giang hiền hòa
   
  Đứng trên cầu Nam Đàn, phóng tầm mắt về phía thượng nguồn sông Lam, phía bờ hữu của dòng sông này san sát những bãi tập kết cát, trong đó hầu hết là những bãi tập kết trái phép từ hàng chục năm nay mà không hề bị cơ quan chức năng dẹp bỏ. Bởi theo tìm hiểu của PV thì những bãi tập kết cát sỏi này  được chính quyền xã cho thuê trái thẩm quyền.
   
  Cảnh xe cộ vào ra tấp nập lấy cát, phía bờ sông hàng chục sà lan lút đầy cát sỏi xếp hàng chờ tới lượt đổ hàng xuống bãi. Phía xa xa ở giữa lòng sông, đoạn qua xã Vân Diên, Nam Thượng là sà lan, nốc thuyền thi nhau đưa vòi xuống dưới đáy sông hút cát. Tiếng máy nổ inh ỏi, nhốn nháo cả một khúc sông dài hàng vài cây số, nhìn những đám khói máy nổ bốc lên đen kịt như những đám mây chuẩn bị mưa giông... khiến cho dòng sông Lam yên bình, nước chảy hiền hòa thủa nào giờ chỉ còn là hoài niệm!
   
  Xuôi theo đường đê tả Lam, qua các xã Hùng Tiến, Hồng Long, Xuân Lâm, Nam Phúc, Nam Cường, khúc sông nào cũng có nhiều sà lan, nốc thuyền khai thác cát. Cùng với đó là hai bên bờ với nhiều điểm tập kết cát sỏi trái phép.
   
Hai điểm tập kết cát phía bên trái và bên phải cầu Yên Xuân (xóm 8, xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên)
luôm nườm nượp sà lan “cát tặc” vào ra.
   
  Qua địa bàn huyện Nam Đàn,  đến khu vực sông Lam, đoạn chảy qua xóm 16, xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên), có nhiều sà lan đang hút cát trái phép công khai trên khúc sông này. “Tại đây có xóm vạn chài, trước họ làm nghề đánh cá để kiếm sống nhưng nay không còn cá nữa nên họ chuyển sang nghề hút cát trái phép. Từ mấy năm nay, do tình trạng hút cát trái phép diễn ra khắp nơi nên đất sản xuất ven bờ sông đã bị mất rất nhiều, nước sông thì ô nhiễm” – Anh Lê Văn Thắng, người dân xóm 16, phản ánh.
   
  Tại khúc sông Lam đoạn chảy qua cầu Yên Xuân là khu vực cát tặc hoạt động tấp nập và rầm rộ nhất. Ở hai khu vực phía trên và dưới cầu là hàng chục sà lan nhả khói đen kẹt với những vòi "bạch tuộc" thò xuống lòng sông. Một đại công trường khai thác cát ngay sát cầu Yên Xuân đang hiện hữu. Tình trạng trên cũng xảy ra tại khu vực xã Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên), chân núi Dũng Quyết (phường Trung Đô - TP. Vinh), chân cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2.
   
  Dọc theo sông Lam là nhiều điểm khai thác cát trái phép đang thi nhau rút ruột dòng sông, cùng với đó là hàng chục bến bãi lớn nhỏ dọc theo hai bên bờ sông khiến cho khung cảnh về một dòng Lam thơ mộng, hiền hòa   dần biến mất.
   
Biện pháp nào chấm dứt nạn “cát tặc”?
   
  Để xử lý vấn đề khai thác cát trái phép và đưa hoạt động này vào ổn định, đúng pháp luật khoáng sản là một bài toán hết sức khó khăn đang đặt ra cho UBND tỉnh Nghệ An và các Sở, ban, ngành tham mưu. Cho đến nay, việc quy hoạch vùng khai thác cát để hoạt động này đi vào quy củ đã được các ngành chức năng tiến hành. Trên địa bàn tỉnh đã có 8 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi; cùng với đó là việc quy hoạch 42 điểm mỏ cát, sỏi xây dựng đến năm 2020. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác cát trái phép tràn làn không vì thế mà “giảm nhiệt”.
   
  Có rất nhiều lý do khiến cho hoạt động khai thác cát diễn ra tràn làn trên các con sông lớn ở tỉnh Nghệ An. Trong đó, có lỗi lớn của chính quyền địa phương là còn buông lỏng trong công tác quản lý; cho mở, cho thuê bến bãi sai quy định của pháp luật, điều này vô hình trung đã tiếp tay cho hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Hơn nữa hầu hết các hộ gia đình, cá nhân hai bên bờ sông  sống dựa vào sông nước, thiếu việc làm nên bằng mọi giá, họ phải khai thác cát sỏi trái phép để bán kiếm sống. Bên cạnh đó, phương tiện để kiểm tra khai thác cát sỏi lòng sông còn thiếu.
   
Môi trường bị ô nhiễm, đất đai bị xói lở do “cát tặc” gây ra.
   
  Theo ý kiến của nhiều người trong cuộc để ngăn chặn được tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra như hiện nay cần tạo việc làm cho các hộ dân sống hai bên bờ sông như sông Lam; sông Con; sông Hiếu... nhất là các hộ dân vạn chài, bằng cách đào tạo nghề mới để giúp họ chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
   
  Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hà -Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: “UBND huyện đã kiên quyết chỉ đạo, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên lưu vực sông thuộc địa bàn các xã hạ du sông Lam. Đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi cũng tiến hành xử lý 3 trường hợp, xử phạt 30 triệu đồng. Tuy nhiên, việc đẩy đuổi tình trạng khai thác cát trái phép gặp rất nhiều khó khăn do khu vực vùng hạ du sông Lam tiếp giáp với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, nên khi các lực lượng chức năng đến thì các đối tượng di chuyển sang địa bàn các địa phương khác, huyện không xử lý được. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn một số xã giáp sông Lam nhiều hộ dân không có đất sản xuất nông nghiệp, không có nghề nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề hút cát trên sông và nghề chài lưới. Các hộ này sống và sinh hoạt trên các phương tiện khai thác cát, nên khi xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý phương tiện vi phạm”.
   
  Ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho rằng: "Để giải quyết triệt để nạn khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngoài tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần hai bên bờ sông, nhất là dân vạn chài chính quyền cần phải có quy hoạch đồng bộ, khoa học khu vực khai thác cát. Làm được như thế cơ quan chức năng sẽ dễ quản lý hơn và chắc chắn rằng hoạt động khai thác cát sẽ sớm đi vào quy củ".
   
Bài và ảnh:Đình Tiệp