Lào Cai: Khó di dân ra khỏi khu vực ô nhiễm, do đâu?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 09/05/2014

(TN&MT) - UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng và huyện Bảo Thắng triển khai di dời 69 hộ dân bị ảnh hưởng môi trường.
   
 (TN&MT) - UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng và huyện Bảo Thắng triển khai di dời 69 hộ dân bị ảnh hưởng môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.
   
Khó có thể tin trong lòng khu công nghiệp đầy khói bụi này vẫn có hàng trăm hộ dân đang sinh sống
   
  Tuy nhiên, qua những gì đã và đang diễn ra cho thấy để thực hiện được việc này là điều không hề dễ bởi chính quyền địa phương chưa quyết liệt vào cuộc còn các cơ sở sản xuất thì vì lợi nhuận mà cố tình “né” trách nhiệm đối với sinh mạng của hàng trăm hộ dân.
   
  Khu công nghiệp Tằng Loỏng được quy hoạch phát triển trên cơ sở mặt bằng xây dựng nhà máy tuyển quặng Apatít, công trình này bắt đầu được triển khai đầu tư từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trong quá trình tồn tại và phát triển, đến năm 2006, UBND tỉnh Lào Cai đã chính thức quy hoạch khu vực này thành Cụm công nghiệp với diện tích là 2.000 ha. Hiện nay, Khu công nghiệp Tằng Loỏng có 28 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 19.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,45%. Mặc dù mới có 14 dự án chính thức đi vào hoạt động nhưng mỗi năm doanh của các cơ sở trong khu công nghiệp này ước đạt trên 5.000 tỷ đồng.
   
  Là khu công nghiệp luyện kim, hóa chất lớn nhất nhì Việt Nam, tuy nhiên do quy hoạch chắp vá nên đây là khu công nghiệp duy nhất trên toàn quốc có các hộ dân sống xen kẽ các nhà máy, cơ sở sản xuất, bởi từ khi thành lập khu công nghiệp này việc giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng từ trước đến nay đều do các nhà đầu tư thực hiện, nên đến tận bây giờ trong Khu công nghiệp vẫn còn tồn tại 69 hộ dân sống xen kẽ giữa các nhà máy; chưa kể hàng trăm hộ dân của thị trấn Tằng Loỏng nằm liền kề thuộc diện phải di dời gấp.
   
  Được biết, để di dời các hộ dân nằm trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng và các hộ liền kề có nguy cơ bị ảnh hưởng, cuối năm 2013, tỉnh Lào Cai có sáng kiến yêu cầu các cơ sở sản xuất đóng góp kinh phí thực hiện. Cụ thể, tỉnh Lào Cai yêu cầu 22 doanh nghiệp tại đóng góp kinh phí là 45,7 tỷ đồng, thời hạn xong trước ngày 31/3/2014. Sau khi thống nhất mức đóng góp và được các doanh nghiệp đồng ý, chính quyền địa phương cũng đã lên phương án đền bù di dời các hộ dân và các hộ dân đã đồng thuận, nhất trí, thậm chí có hộ sẵn sàng di chuyển trước khi có tiền đền bù nếu đã có mặt bằng nơi ở mới. Người dân cũng không đòi hỏi thêm điều kiện nào ngoài chế độ, quy định của Nhà nước, tất cả đều muốn việc di chuyển là thuận lợi và nhanh chóng. Với huyện Bảo Thắng, việc thống kê tài sản của người dân, đo đạc đất đai, địa chính đang được tiến hành hết sức khẩn trương, mặt bằng tái định cư cho 50 hộ cũng đã khởi công.
   
Một góc nhà máy sản xuất phốt pho ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng
   
  Tưởng như mọi việc sẽ diễn ra êm đẹp, người dân sẽ được di dời đến nơi ở mới thoát cảnh ngày đêm sống trong vùng ô nhiễm nguy hiểm. Nhưng rồi mọi mong muốn của người dân đều không trở thành hiện thực, bởi khi đến hẹn nhưng các doanh nghiệp đã không giữ lời hứa, với nhiều lý do được đưa ra.
   
  Theo thông tin của  tỉnh Lào Cai, tính đến hết ngày 17 tháng 4, mới có 6 nhà máy, công ty chấp hành đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí theo yêu cầu của UBND tỉnh với tổng kinh phí 7,6 tỷ đồng. Với số tiền trên thì kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho hộ dân là hoàn toàn không thể.
   
  Trước thực tế đó, nhiều người dân đã bức xúc kéo nhau ra lấy người làm rào chắn trước cổng một số nhà máy để đòi hỏi câu trả lời thuyết phục. Và rồi hàng chục cuộc họp của các cấp, các ngành được tổ chức, những cuộc tiếp xúc của chính quyền, cơ quan chức năng với  nhân dân để nới thêm thời gian giải quyết. Trước lời hứa của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hiện nay tình hình đã tạm nắng dịu; tuy nhiên, không dám chắc sự chịu đựng của người dân sẽ còn kéo dài được bao lâu nữa khi mà những ngày hè nóng nực họ phải hít thở mùi khó chịu của hóa chất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ.
   
  Được biết, để kêu gọi các nhà đầu tư đặt nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, không yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí phát sinh ngoài dự toán. Số tiền yêu cầu doanh nghiệp đóng góp để phục vụ việc giải phóng mặt bằng và di dời các hộ dân ra khỏi khu công nghiệp không lớn, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy và công trình có liên quan nhưng có lẽ với họ sinh mạng người dân không quan trọng bằng tiền thế nên họ vẫn đang viện dẫn đủ các lý do để chậm trễ, kéo dài trách nhiệm nộp tiền để đền bù, giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân tới vùng an toàn.
   
Quốc Khánh
.