Ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng): Nói mãi vẫn không chuyển

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/04/2014

(TN&MT) - Cứ đến mùa nắng nóng, người dân sống quanh khu vực âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) lại phải chịu mùi hôi thối nồng nặc...
(TN&MT) - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng, người dân sống quanh khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) lại phải chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ âu thuyền. Hàng ngàn hộ dân nơi đây luôn “sống trong sợ hãi”.
   
Nng nóng, mùi hôi phát tán
   
  Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) có diện tích 58 ha, là một vũng kín, không có dòng chảy lưu thông nên lượng nước đổ vào bị ứ đọng gây mùi hôi thối. Đã vậy, nguồn nước thải từ KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang; nguồn nước thải từ chợ cá Thọ Quang; nước thải từ các tàu thuyền neo đậu và nước thải từ khu dân cư… xả ra âu thuyền gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm qua. Những ngày gần đây, TP. Đà Nẵng bắt đầu có nắng nóng gay gắt, mùi hôi thối ở Trạm xử lý nước thải tập trung và âu thuyền Thọ Quang càng trở nên trầm trọng, bao phủ khắp khu dân cư cùng hàng chục khu chung cư cao tầng tại Vũng Thùng (quận Sơn Trà) khiến người dân hết sức khốn khổ.
   
Mùi hôi thối ở âu thuyền Thọ Quang ngày càng trở nên trầm trọng.
    
   
  Không chỉ cư dân ở xung quanh âu thuyền mà người dân sống trong các khu chung cư cao tầng cũng bị mùi hôi hành hạ. Anh Hoàng Thế Lực (khu chung cư Vũng Thùng, quận Sơn Trà) cho biết: “Âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm từ lâu. Trẻ già lớn bé trong chung cư ai nấy đều khó thở vì cái âu thuyền này. Con tôi bị ho liên tục vì chịu không nổi mùi hôi thối. Tôi phải gửi nó bên nhà anh em. Khi nào âu thuyền hết bốc mùi tôi mới đem nó về”.
   
  Trao đổi với báo chí, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, đơn vị quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang cho biết, do trạm xử lý nước thải tập trung đặt ở vị trí không phù hợp (gần khu dân cư) và quy trình xử lý có nhiều bất cập, nên hiệu quả chưa đạt mức tối đa. Vì thế, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm là không thể. Hiện Công ty đang đề xuất những phương án mới để trình thành phố sớm giải quyết vấn nạn mùi hôi khi nắng nóng xuất hiện.
   
Doanh nghip vn c tình x lén
   
  Vấn đề ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang được người dân cũng như các cơ quan thông tấn báo chí nhiều lần phản ánh. Cũng đã có rất nhiều đoàn thanh, kiểm tra xuống làm việc và xử lý, tuy nhiên, được một thời gian sau đâu lại vào đấy. Việc doanh nghiệp thủy sản tại KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang xả lén nước thải ra âu thuyền chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm cứ thế lây lan.
   
  Không mấy khó khăn để xác định thủ phạm gây ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang. Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan đã từng chỉ rõ nguyên nhân là do nước thải từ các nhà máy chế biến hải sản. Đã không ít lần các nhà máy này bị xử phạt do xả nước thải chưa qua xử lý ra âu thuyền. Người dân sống xung quanh âu thuyền Thọ Quang cho biết, cứ vào khoảng 21 giờ tối là các doanh nghiệp lén lút xả thải khoảng 30 phút ra âu thuyền. Nếu gặp những hôm mưa thì doanh nghiệp “thả phanh” xả trộm nên nắng lên là mùi hôi thối càng kinh khủng.
   
  Mấy năm gần đây, tuy đã có Trạm xử lý nước thải Thọ Quang, song công suất thấp, tình trạng lén lút xả thải vẫn chưa chấm dứt. Lâu nay, âu thuyền chẳng khác nào công trình vệ sinh khổng lồ, nơi thường xuyên phải chứa vô số chất thải từ đời sống, sinh hoạt của hàng vạn lượt ngư dân trên các tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền. Âu thuyền còn là bể chứa nước thải từ các khu dân cư gần đó chảy ra. Rồi rác rưởi, nước thải từ quá trình vệ sinh tàu sau khi bán hết hải sản. Là hồ chứa chất thải nên đáy âu thuyền là lớp bùn bẩn khá dày, chỉ cần nắng to, hoặc mưa xuống là bốc mùi hôi thối đến ngộp thở.
   
  Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: “Bắt đầu từ cuối năm 2013 đến nay, Trạm xử lý nước thải Thọ Quang đã nâng tần suất hoạt động, mở rộng bể gom, áp dụng đồng bộ các giải pháp sinh hoá. Đồng thời, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đầu tư xây dựng trạm bơm với công suất 60.000 m3/ngày đêm bơm nước từ âu thuyền Thọ Quang ra chân cầu Thuận Phước, giải quyết tình trạng tù đọng và nạo vét chất thải rắn, chất hữu cơ tại âu thuyền, trồng thêm nhiều cây xanh để hạn chế mùi hôi phát tán”.
   
  Ngăn chặn tình trạng các nhà máy chế biến thủy sản xả nước thải chưa qua xử lý ra âu thuyền là một trong những biện pháp quan trọng. Nhưng việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động này của cơ quan chức năng không theo kịp do việc xả thải chỉ diễn ra thời gian ngắn, lại thường vào đêm khuya. Biện pháp cơ bản để giải quyết ô nhiễm là các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, bởi Trạm xử lý nước thải Thọ Quang hiện đã quá tải.
   
  Bài và ảnh: Xuân Lam