“Điệp khúc” hôi thối ở Âu thuyền Thọ Quang

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/09/2013

(TN&MT) - Vấn nạn ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh Âu thuyền Thọ Quang không còn xa lạ gì với người dân nơi đây.
   
(TN&MT) - Một cuộc sống thoải mái trong môi trường trong lành không phải cứ mở mắt ra, nhắm mắt lại cũng nghe thấy mùi hôi thối và nổi lo về bệnh tật; liệu đó có phải là ước muốn “không bao giờ thực hiện được” của những người dân đang ngày đêm sống chung với ô nhiễm ở Âu thuyền Thọ Quang?
   
Trách nhiệm không chỉ riêng ai
   
  Vấn nạn ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh Âu thuyền Thọ Quang không còn xa lạ gì với người dân nơi đây và được phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua. Nhưng nói thì cứ việc nói, ô nhiễm thì vẫn cứ ô nhiễm, không những thế tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân xung quanh khu vực này. Nhất là vào những ngày trời nắng mùi hôi thối bóc lên nồng nặc, khó chịu.
   
Rác thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm
    
   
  Khi trực tiếp đến đây mới biết rằng, người dân hằng ngày phải sống chung với ô nhiễm mà chẳng biết kêu ai. Sau khi nhận được phản ánh của người dân và sự lên tiếng của báo giới thì thành phố cũng có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ở nơi đây. Mỗi ngày đều có nhân viên vệ sinh chuyên thu góp rác thải ở cảng cá và hai bên bờ kè. Cùng với đó, cho đi vào hoạt động trạm bơm xử lý với công suất lớn làm nhiệm vụ bơm nước từ Âu thuyền xả ra cầu Thuận Phước để cải thiện nguồn nước vốn đã ô nhiễm trầm trọng.
   
  Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đó chỉ là những giải pháp tức thời của chính quyền còn người có trách nhiệm trực tiếp lại thờ ơ thì vấn nạn ô nhiễm ở đây có thể trở thành “bài toán không lời đáp”. Bởi Âu thuyền Thọ Quang là nơi tiếp nhận hải sản chuẩn bị hậu cần cho mỗi chuyến đi, chính vì vậy mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền về neo đậu.  Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ô nhiễm khi ngư dân đổ dồn tất cả mọi rác thải sinh hoạt từ chai lọ, giấy rác, bao ni lon… cùng với nước  thải từ các thùng đá ướp hải sản xuống nước làm tăng phần hôi thối của Âu thuyền. Và điều đáng lo ngại hơn là nguồn nước thải từ việc trao đổi buôn bán hải sản diễn ra ở bến cá Thọ Quang và các Nhà máy nước đá ở xung quanh lại được đổ trực tiếp ra Âu thuyền mà không phải thải ra cống thoát nước hay không qua một công đoạn xử lý nước thải nào cả. Vô hình dung, chính từ những việc làm thiếu ý thức đó đã khiến họ phải sống chung với ô nhiễm.
   
Bao năm nữa mới hết mùi hôi?     
   
  Kể từ tháng 10/2008, UBND thành phố phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường”. Đề án xây dựng trên tiêu chí đến năm 2020 các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí trên toàn thành phố được đảm bảo, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng; đồng thời hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường. Ấy vậy mà đã hàng chục năm nay, người dân  sống xung quanh khu vực âu thuyền Thọ Quang vẫn phải “cùng ăn, cùng ở” với mùi hôi thối bao trùm cả một khu vực.
   
Nước thải, rác từ bến cá và nhà máy đá được xả trực tiếp xuống âu thuyền
    
   
  Ông Nguyễn Tri, một người dân sống ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) bức xúc nói: “Tôi sống ở đây từ nhỏ tới lớn, tình trạng ô nhiễm ở Âu thuyền Thọ Quang chỉ thấy ngày một trầm trọng thêm chứ không hề được cải thiện. Ngày nào cũng ngửi mùi hôi thối và nhất là tầm 3h đến 4h sáng đang ngủ thì nhiều lần phải chợt tỉnh giấc vì mùi hôi tanh nồng nặc cứ xộc vào mũi thì làm sao ngủ được. Nhất là những lúc có gió mạnh mùi hôi không chỉ gây khó chịu mà khiến cho người ngửi thấy nhức đầu, buồn nôn”. Khi được hỏi về công tác khắc phục ô nhiễm của thành phố, ông Tri nói thêm: “ Thành phố khắc phục một thì người dân và các cơ sở kinh doanh xả thải gấp năm, gấp bảy thì không ô nhiễm sao được”.
   
  Không chỉ riêng gì gia đình ông Tri và các hộ dân lân cận phải thường trực sống chung với ô nhiễm mà ngay cả những khu chung cư cách Âu thuyền từ vài trăm tới cả km cũng chịu ảnh hưởng, thi thoảng khi thay đổi thời tiết lại phải hứng chịu những làn gió “độc” mang theo mùi hôi tanh bóc lên từ đây. Thế hệ này tới thế hệ khác đã mấy chục năm nay cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn và nỗi lo về bệnh tật do sự ô nhiễm nghiêm trọng của môi trường nước và môi trường không khí luôn canh cánh trong lòng của mỗi người dân, mà vẫn chưa nhận được câu trả lời hay việc làm thỏa đáng của những người có trách nhiệm.
   
  Việc xử lý không mạnh tay và thiếu triệt để của các cơ quan chức năng đối với các đối tượng gây ô nhiễm cũng như các biện pháp khắc phục chưa đồng bộ trong thời gian qua đã đẩy Âu thuyền Thọ Quang thành địa điểm “vô phương cấu chữa” của ô nhiễm môi trường.
   
  Về việc giảm thiểu và tiến tới chấm dứt ô nhiễm trả lại sự trong lành cho Âu thuyền Thọ Quang đã không phải là vấn đề ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có một quá trình khắc phục lâu dài. Trước hết cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra hệ thống xử lý nước thải và xử lý mạnh tay các đối tượng xả thải không đúng quy định. Đồng thời kêu gọi người dân có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ môi trường sống của chính mình. Sự phối kết giữa chính quyền và người dân có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay cho vấn nạn ô nhiễm ở đây.
   
        
UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) tăng cường quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Sở này phải phối hợp với Sở TN&MT đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tại cảng cá. Nếu hệ thống này không đạt yêu cầu thì cần cải tạo lại trước ngày 30/9. Ngoài ra, Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phải đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành Trạm xử lý nước thải Sơn Trà thay thế trạm xử lý nước thải hiện nay.
        
    
   
   Bài & ảnh: Thanh Thảo