Nhiều ao, hồ ở Hà Nội đang bị xâm hại nghiêm trọng
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/08/2013
Tại Hà Nội, tình trạng ao, hồ bị ô nhiễm, lấn chiếm đang trở nên bức xúc. Việc xâm hại này khiến quá trình điều hòa nguồn nước, chống úng ngập bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng nhiều ao, hồ bị ô nhiễm, lấn chiếm đang trở nên khá bức xúc. Việc xâm hại này còn khiến quá trình điều hòa nguồn nước, chống úng ngập cho Thủ đô theo đó bị ảnh hưởng.
Giật mình trước những vi phạm
Không phải đến thời điểm hiện tại, tình trạng xâm hại ao, hồ trên địa bàn TP Hà Nội mới xuất hiện. Thế nhưng, thực tế hiện đang cho thấy, các vi phạm có liên quan đang có chiều hướng gia tăng ở một số ao, hồ. Trở lại khu vực Đầm Hồng - nằm trong con ngõ 93 Hoàng Văn Thái - đoạn giáp ranh giữa các phường Khương Đình, Khương Trung (quận Thanh Xuân - Hà Nội), chúng tôi thấy giật mình hơn khi một phần diện tích lớn thuộc khu vực Đầm Hồng đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đống đất phế thải vật liệu xây dựng được trải dài từ rìa đường vào sâu trong lòng đầm. Có điểm, đống đất phế thải này còn cao đến cả đầu người. Qua quan sát, chúng tôi thấy rằng, dù tại khu vực này, các cơ quan chức năng đã dựng biển báo cấm đổ rác, phế thải cũng như thiết kế hệ thống hàng rào tôn chắn, thế nhưng đất phế thải vẫn “hoành hành” ở đây. Vô số vết bánh xe – hệ quả của việc đổ đất phế thải trái phép theo đó xuất hiện.
Càng ghi nhận ở nơi đây, chúng tôi càng “hãi” hơn, khi quanh khu vực Đầm Hồng, nhiều lều lán đua nhau mọc lên. Số lều lán này được gia cố bởi hệ thống cửa ra vào khá chắc chắn. Nhìn qua, chúng tôi không khỏi lo ngại trước nguy cơ “biến đất công thành đất tư” đang tiềm ẩn ở khu vực này. Hình ảnh về diện tích lòng ao, hồ đang bị thu hẹp, ô nhiễm nghiêm trọng cũng xuất hiện tại một số “lá phổi xanh” - ao, hồ khác như: hồ Linh Quang, hồ Ba Giang..v.v…
Nói vậy cũng bởi, ngày 9/8, tìm đến khu vực hồ Linh Quang, phường Văn Chương (quận Đống Đa - Hà Nội), đập vào mắt chúng tôi là cảnh diện tích mặt hồ đang bị ô nhiễm, nạn đổ đất lấn chiếm “bủa vây”. Nhiều điểm chỗ, nham nhở các loại đất, gạch phế thải. Nếu không được cho biết đây là hồ Linh Quang vốn là “lá phổi xanh” làm trong lành không khí ở địa bàn, nhiều người đã lầm tưởng đây là một bãi đầm đang bị bỏ hoang, không ai quản lý. Bác Nguyễn Hà, một người dân sinh sống ở khu vực này khi thấy chúng tôi giơ máy ảnh để chụp hình không khỏi bức xúc, dự án cải tạo hồ Linh Quang đã có từ lâu, song đến nay, vẫn chưa được triển khai dứt điểm. Tình trạng ô nhiễm, đổ đất - phế thải đã và đang “bức tử” diện tích mặt hồ.
Tìm hiểu, chúng tôi được hay, trên địa bàn thành phố hiện còn hơn 100 ao - hồ, với tổng diện tích gần 1.200ha. Nhiều ao, hồ đã bị ô nhiễm, thu hẹp diện tích, thậm chí còn biến mất hoàn toàn. Đây chính là hệ quả của quá trình đô thị hóa cũng như sự buông lỏng quản lý của một số địa phương. Việc ao, hồ bị thu hẹp diện tích, ô nhiễm môi trường đã khiến quá trình điều hòa nguồn nước, chống úng ngập cho Thủ đô bị ảnh hưởng. Và thực tế trong mấy ngày qua đã cho thấy, nhiều tuyến phố Hà Nội chìm trong biển nước khi mà mưa lớn kéo dài. Mà nguyên nhân một phần là do lượng nước ngập úng đã không có chỗ… tiêu thoát.
Tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm lòng Đầm Hồng đang diễn ra phức tạp.
Sớm triển khai các dự án, tránh để vi phạm kéo dài
Ô nhiễm môi trường nước, diện tích mặt hồ bị thu hẹp - đó là những hệ quả tất yếu đi kèm với việc buông lỏng quản lý, sự chậm trễ trong việc triển khai một số dự án cải tạo lòng hồ như hiện nay. Tuy nhiên, lo ngại hơn khi, một số đối tượng sau khi lợi dụng sự buông lỏng công tác quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hữu quan còn công khai rao bán các khu đất thuộc diện lấn chiếm. Chỉ cần gõ từ khóa “bán đất Đầm Hồng” trên trang công cụ tìm kiếm Google của mạng Internet, dễ dàng bắt gặp các nội dung “chào mời” mua đất giá rẻ quanh khu vực Đầm Hồng này.
Ghé vào trang mạng có tên miền: www.nhadat....ay, đập vào mắt chúng tôi là nội dung đăng tin “bán đất Đầm Hồng” của một chủ đất có số điện thoại: 091212xxxx. Chủ lô đất này cho hay: “Tôi cần bán gấp căn nhà cấp 4, bao gồm 4 phòng khép kín, đang cho sinh viên thuê, diện tích 60m2, mặt tiền 5,7m”. Đáng bàn, giá mà chủ lô đất này đưa ra chỉ là 600 triệu đồng, trong khi ngõ rộng, ôtô đỗ tận cửa. Và sau khi tìm hiểu, chúng tôi được hay, thì ra đây chính là mảnh đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mọi giao dịch, mua bán chỉ thông qua… viết tay. Điều này thêm cho thấy, tình trạng sử dụng, mua bán đất quanh khu vực Đầm Hồng hiện đang trở nên bát nháo. Trong khi dự án cải tạo khu vực Đầm Hồng này dù đã có từ lâu, song đến nay, tiến độ thi công cải tạo vẫn như… “rùa bò”.
Trở lại vấn đề liên quan đến hồ Linh Quang, sáng 9/8, trao đổi với ông Ngô Tiến Ngọc, Chủ tịch UBND phường Văn Chương (quận Đống Đa - Hà Nội), chúng tôi được hay, dự án cải tạo hạ tầng hồ Linh Quang đã được phê duyệt từ nhiều năm nay, ban đầu, chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải Hà Nội). Đến năm 2009, quyền chủ đầu tư được chuyển đổi cho Sở Xây dựng TP Hà Nội. Trong quá trình triển khai dự án, tổng số hộ dân sinh sống quanh hồ Linh Quang nằm trong diện phải cắt đất, giải phóng mặt bằng là 237 hộ. Đến nay, đã có 157 hộ/237 hộ dân được xác nhận nguồn gốc đất sử dụng. Và, UBND quận Đống Đa cũng đã tiến hành làm thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho 55 hộ dân (trong đó có 51 hộ bàn giao mặt bằng). Cũng theo ông Ngô Tiến Ngọc, trong quá trình triển khai dự án, tình trạng đổ phế thải xây dựng lấn chiếm diện tích lòng hồ, gây ô nhiễm nguồn nước luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khiến người dân bức xúc.
Trước sự bức xúc trên, tháng 12/2012, UBND phường đã thành lập Đội tự quản giữ gìn ANTT và chống lấn chiếm đổ phế thải khu vực hồ Linh Quang. Kết quả, Đội phối hợp với chính quyền địa phương đã lập biên bản xử lý 9 trường hợp vi phạm về đổ đất phế thải, lấn chiếm, gây ô nhiễm lòng hồ. Theo đại diện UBND phường Văn Chương, để vấn nạn đổ trộm phế thải xây dựng, lấn chiếm lòng hồ Linh Quang được xử lý triệt để, bên cạnh công tác tuyên truyền, các ban ngành hữu quan cần chung tay triển khai có hiệu quả dự án cải tạo hồ Linh Quang.
Việc ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng đổ phế thải “bức tử” diện tích mặt nước ao - hồ trên địa bàn thành phố hiện nay đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lòng ao - hồ đã được phê duyệt phải đẩy nhanh tiến độ, tránh gây lãng phí kéo dài còn người dân thì bức xúc
Theo Trần Huy/cand online