Nhiều điểm mới được Bộ TN&MT đưa vào Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/06/2013

Tuy nhiên, với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Một số quan điểm chưa đồng bộ, thống nhất với một số đạo luật khác trong hệ thống pháp luật; phân công, phân cấp với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; các quy định về tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải… chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thi hành chưa cao. Để phù hợp với yêu cầu mới, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005. Dự thảo luật có 18 chương, 171 điều (Luật Bảo vệ môi trường 2005 có 15 chương và 135 điều).

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) ngày 10/6, T.S Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu ra 20 điểm cần lấy ý kiến của các đại biểu như: Quy hoạch môi trường, môi trường làng nghề, quản lý chất thải, nước thải, xử lý phục hồi môi trường, quan trắc môi trường, thông tin môi trường và báo cáo môi trường, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, vần đề hồi tố, nguồn lực bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, đa số các ý kiến tập trung vào vấn đề báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Có ý kiến cho rằng thủ tục ĐTM không rõ ràng, phức tạp; gây khó cho doanh nghiệp; những quy định về lập báo cáo ĐTM trước đây có nhiều kẽ hở; trình độ nhận thức về môi trường của cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa cao, chưa đồng đều nên vẫn còn tình trạng lập ĐTM để đối phó…

Đại diện Tổng cục Môi trường khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ tập trung rõ hơn những nội dung về ĐTM. Theo Tổng cục Môi trường, lâu nay, các dự án xây dựng, thủy điện vẫn quá xem nhẹ báo cáo tác động môi trường, thay vì đi trước một bước, hoàn thiện ĐTM trước khi xây dựng công trình thì báo cáo này hầu như đặt ra khi “sự đã rồi”, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn hội đồng thẩm định. Dự thảo lần này quy định rõ chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính; phân ra 3 nhóm dự án phải lập ĐTM, giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục các dự án. Dự thảo cũng quy định rõ hơn về ĐTM ban đầu và ĐTM chi tiết đối với các dự án có giai đoạn tiền khả thi và xin chủ trương đầu tư; quy định rõ về việc tham vấn và những ĐTM phải tham vấn; điều kiện của các tổ chức thực hiện tham vấn...

“Trước đây quy định người được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo học vị, kinh nghiệm. Tuy nhiên, quy định như thế rất máy móc, vì vậy, tại dự thảo lần này chúng tôi đề xuất cán bộ tham gia đánh giá tác động môi trường phải có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra vấn đề hậu thẩm định ĐTM cũng sẽ được tăng cường thông qua công cụ là kế hoạch bảo vệ môi trường, tránh tình trạng hiện nay chỉ có 10% các ĐTM được hậu thẩm định” – TS. Lê Kế Sơn nói.

Bên cạnh những nội dung còn gây tranh cãi, thì đa số các đại biểu nhất trí đưa quy hoạch môi trường vào Dự thảo vì phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT để phát triển bền vững. Nội dung của các quy hoạch đa dạng sinh học, xử lý chất thải, quan trắc và các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường cũng được đưa vào quy hoạch môi trường; cần bổ sung cụ thể quy định xử phạt đối với các trường hợp cố ý gây ô nhiễm môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; BVMT trong đời sống và sản xuất, kinh doanh; các công cụ quản lý nhà nước về BVMT; xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại về môi trường…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện bản dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) một cách hiệu quả, sát với nhu cầu của thực tế đời sống và phát triển kinh tế - xã hội và trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005 vào Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIII (dự kiến khai mạc 10/2013) tới đây.

Mai Chi