Các dự án đốt rác phát điện: Giải pháp hiệu quả, bền vững

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 09:09, 17/12/2018

Những năm gần đây, công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng rác thải phát sinh ngày một lớn và các bãi chôn lấp rác đang quá tải..., việc đẩy nhanh tiến độ các dự án theo công nghệ đốt rác phát điện được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này hiệu quả, bền vững hơn.

Các khu xử lý rác thải đang quá tải

Tại cánh đồng xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), rác thải đổ tràn lan trên nhiều tuyến đường nội đồng. Đáng nói, việc tự ý đốt rác đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dân. Tương tự, con đường nối từ đường trục phía Nam Hà Nội về thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) chỉ khoảng 4km nhưng xuất hiện nhiều điểm tập kết rác thải tự phát ảnh hưởng tới người tham gia giao thông.

Trao đổi về thực trạng trên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Hải cho biết, trung bình mỗi ngày, huyện Thanh Oai phát sinh khoảng 90 tấn rác, trong khi định mức vận chuyển về bãi rác là 85 tấn nên lượng tồn đọng vẫn nhiều, người dân tự xử lý bằng các biện pháp thủ công, không triệt để.

dự án đốt rác
Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) sử dụng công nghệ hiện đại, với tổng vốn đầu tư trên 645 tỷ đồng. Ảnh: Hải Hiệp

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày - đêm, trên địa bàn Thủ đô phát sinh 6.500-7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dù đã có nhiều cố gắng, song thực tế, mới chỉ có khoảng 88% lượng rác thải hằng ngày tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại 2 khu xử lý chính của Hà Nội là: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.500-5.000 tấn rác và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.200-1.500 tấn rác. Phương thức xử lý bằng chôn lấp không chỉ đòi hỏi phải có mặt bằng, khiến các khu xử lý luôn rơi vào tình trạng quá tải, mà còn gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận.

Bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có tổng diện tích gần 160ha, theo thiết kế ban đầu bảo đảm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2020 với công suất tính toán khoảng 1.000 tấn/ngày - đêm, nhưng hiện lượng rác đưa về xử lý gấp gần 5 lần so với thiết kế ban đầu. Tương tự, dù Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn có hệ thống xử lý nước rác, nhưng việc chôn lấp vẫn tác động tiêu cực tới môi trường sống của người dân xung quanh.

Những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm bố trí nguồn vốn khá lớn đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp rác thải, đồng thời hỗ trợ đời sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng (như xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rác; trồng cây xanh cách ly; lắp đặt hệ thống nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực lân cận…), song việc khắc phục ô nhiễm vẫn chưa thực sự như mong muốn.

Hiện tại trên địa bàn thành phố cũng đã có một số nhà máy đốt rác hoặc xử lý rác thành phân bón, song công suất xử lý nhỏ (tổng công suất phân luồng 600-900 tấn/ngày - đêm), chủ yếu để giải quyết rác thải công nghiệp.

Sớm đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao

Về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của thành phố, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.

Để giải bài toán thu gom và xử lý rác thải nông thôn, TP Hà Nội đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, định hướng đến năm 2020-2021, thành phố tập trung đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (1 nhà máy), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (2 nhà máy) và Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké - huyện Chương Mỹ (1 nhà máy).

dự án đốt rác1
Thu gom rác thải tại thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai). Ảnh: Giang Sơn

Ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5-5-2014) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, về huy động vốn đầu tư, thuế nhập khẩu thiết bị, tiền sử dụng đất, thuê đất, hỗ trợ giá điện, TP Hà Nội còn hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài tường rào của dự án gồm đường, hệ thống điện, nước...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày - đêm) đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500, chuẩn bị thủ tục khởi công dự án vào đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng.

Hai dự án xử lý rác phát điện với tổng công suất 1.500 tấn/ngày - đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang thực hiện các thủ tục đo đạc, xác định mốc giới, thiết kế kỹ thuật... để có thể thẩm định, phê duyệt và đủ điều kiện khởi công trong quý II-2019. Dự án xử lý rác thải phát điện tại Đồng Ké đang tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021.

Thực tế cho thấy, để các dự án nhà máy đốt rác phát điện sớm được đầu tư, đi vào hoạt động rất cần các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành, hướng dẫn về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt phát điện công suất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chuẩn bị đầu tư các dự án, lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, triệt để. Đối với một đô thị văn minh mà Hà Nội đang hướng tới, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải là giải pháp hiệu quả, bền vững.