TP.HCM: Cần 96.000 tỷ đồng đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 18:24, 09/08/2018
Ngày 9/8, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị mời gọi nhà đầu tư có các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải Thành phố. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đại diện các Bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các tổ chức tài chính quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải Thành phố với mong muốn được lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học làm cơ sở triển khai kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cùng đồng hành với chính quyền Thành phố trong việc triển khai, thực hiện các Dự án chống ngập và xử lý nước thải bằng hình thức đối tác PPP và BT.
Theo Trung tâm Điều hành Chương tình chống ngập nước TP.HCM, đến nay, Thành phố đã hoàn thành 03 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cải tạo hệ thống kênh rạch thoát nước, gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1, Tân Hóa - Lò Gốm và các dự án thoát nước khác bằng nguồn vốn ngân sách, nâng tổng chiều dài hệ thống thoát nước đạt 4.716/6.000 km; cải tạo được 04 trục tiêu thoát nước chính với chiều dài khoảng 60,3km; hoàn thành 02/12 nhà máy xử lý nước thải là Bình Hưng và Tham Lương - Bến Cát; thực hiện được khoảng 64 km/149km đê bao ven sông Sài Gòn và 01/10 cống kiểm soát triều lớn là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các hạng mục khác cũng đang được triển khai.
Tuy nhiên, tình trạng ngập nước tại TP.HCM vẫn diễn biến rất phức tạp do cả nguyên nhân triều cường và mưa, gây nhiều thiệt hại cho kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Thành phố. Đồng thời, đến nay mới khoảng 30% lượng nước thải sinh hoạt của Thành phố được xử lý đảm bảo trước khi thải ra môi trường.
Theo Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm Thành phố và một phần của 05 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị.
Qua đó, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường Thành phố; giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây, 179/179 tuyến hẻm và 09 tuyến đường ngập nước do triều; xây dựng 07 nhà máy xử lý nước thải. Còn theo Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 xử lý được 80% lượng nước thải sinh hoạt.
Như vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Thành phố cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải. Hiện nay, nhu cầu đầu tư là 96.327 tỷ đồng, tuy nhiên, nguồn lực hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế Thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, theo đại diện Ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương (ADB) thì TP.HCM không thể trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn vay của Chính phủ, bởi Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp nên vốn vay không còn rẻ nữa. Vì vậy, TP.HCM cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp, hấp dẫn để tranh thủ nguồn vốn của khu vực tư nhân trong việc đầu tư các công trình giảm ngập nước và xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: "TP.HCM đang và sẽ áp dụng hai hình thức đầu tư theo đối tác PPP và BT trong việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý ngập nước và xử lý nước thải. Trong đó, hình thức hợp đồng công tư sẽ theo mô hình BTL - BLT: Kết hợp quá trình xây lắp, vận hành - thuê dịch vụ và chuyển giao.
Tong đó, chi phí đầu tư và vận hành - thuê dịch vụ được chi trả nguồn thu từ Giá dịch vụ thoát nước. Dự kiến, Giá dịch vụ thoát nước sẽ được Thành phố hoàn thành trong năm 2018. Các dự án thích hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng này này là 07 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải và 01 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng".
Còn đối với hình thức hợp đồng BT, TP.HCM sẽ tận dụng quỹ đất sẵn có của Thành phố, khai thác quỹ đất tại chỗ của dự án, và đấu giá đất công khai làm nguồn thu để thực hiện các dự án. Các dự án thích hợp đầu tư hình thức hợp đồng này là 06 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch và 03 dự án kiểm soát triều vòng ngoài của Thành phố.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, TP.HCM cần sớm có những giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, đặc biệt cần phải sớm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các tập đoàn lớn của thế giới và các doanh nghiệp trong nước đã trình bày, giới thiệu nhiều mô hình, công nghệ xây dựng các công trình chống ngập nước và xử lý nước thải hiện đại trên thế giới, có thể áp dụng triển khai tại Thành phố.
Kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã hoan nghênh các ý kiến phát biểu của các đại biểu, cũng như đánh giá cao các công nghệ xử lý ngập nước và nước thải đã trình bày. Ông Tuyến cũng đã giao các đơn vị chức năng của Thành phố tổng hợp, nghiên cứu để có các bước tiếp cận, trao đổi tiếp theo giữa TP.HCM và các doanh nghiệp và đối tác, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chống ngập nước và xử lý nước thải của Thành phố.
Danh mục kêu gọi đầu tư xử lý nước thải và chống ngập nước của TP.HCM:
- Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải: Phải đảm bảo yêu cầu đề ra về mặt công nghệ; trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như đảm bảo mở rộng tương lai.
Các dự án, bao gồm: lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa Lò Gốm với tổng công suất 630.000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000 m3/ngày; lưu vực Rạch Cầu Dừa với công suất 100.000m3/ngày.
- Đầu tư cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch: Phải đảm bảo yêu cầu về sự phù hợp với quy hoạch thoát nước trong tương lai, đồng bộ giải quyết đối với các kênh chính, nhất là trong khu vực trung tâm Thành phố.
Các dự án, bao gồm: Xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm. Hai dự án này đồng bộ với dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (sử dụng nguồn vốn vay ADB).
Đó cũng là 01 trong 04 trục thoát nước chính của Thành phố và 03 trong số 04 trục này đã được Thành phố đầu tư cải tạo, chỉnh trang trong thời gian qua (tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, tuyến Tân Hóa - Lò Gốm).