Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát sạt lở

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 00:00, 19/02/2016

(TN&MT) - Để có được các số liệu nhận biết sự xuất hiện sạt lở một cách nhanh chóng, các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu đã...

 

(TN&MT) - Để có được các số liệu nhận biết sự xuất hiện sạt lở một cách nhanh chóng, các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn vàBiến đổi khí hậu (KTTV &BĐKH) đã Nghiên cứu các chỉ tiêu viễn thám để giám sát đường bờ nhằm đánh giá hiện trạng sạt lở, nghiên cứu được ứng dụng thử nghiệm ở  tỉnh An Giang.

Theo Viện Khoa học KTTV & BĐKH, do BĐKH nên tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng. Sạt lở bờ sông đã gây trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.

Riêng đối với tỉnh An Giang, do là tỉnh đầu nguồn sông Mêkông, có hệ thống sông, kênh, rạch khá dày đặc nên trong những năm vừa qua hiện tượng xói lở bờ sông đã và đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của người dân. Theo ước tính mỗi năm tỉnh An Giang mất đi khoảng trên 10 héc ta đất. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và giám sát diễn biến đường bờ sông và dự báo xu hướng, tốc độ sạt lở trong tương lai là yêu cầu cấp thiết hiện nay để phục vụ công tác quản lý, cảnh báo sạt lở nói chung và nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao nói riêng là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc theo dõi sự thay đổi đường bờ thường được đo đạc bằng phương pháp truyền thống như đo đạc thực địa rồi ước lượng sự thay đổi. Các phương pháp này thường rất tốn kém về tiền bạc và mất nhiều thời gian.

Tình trạng sạt lở ven bờ sông ở An Giang ngày càng nghiêm trọng
Tình trạng sạt lở ven bờ sông ở An Giang ngày càng nghiêm trọng

Với công nghệ viễn thám, tất cả hình ảnh vệ tinh thu thập đã được chuyển đổi các giá trị ảnh thành các kênh nhằm tính tính toán chỉ số và thiết lập thành các thông số để cung cấp nhanh chóng thông tin về hiện trạng ranh giới đường bờ. Cũng từ thông số tính toán đã giúp nhận biết sự xuất hiện những vùng sạt lở. Bên cạnh đó, các số liệu từ ảnh vệ tinh cũng chỉ ra thời gian, khoảng cách và cường độ sạt lở ở An Giang, theo đó khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất trong vòng 2010 -2015 là thành phố Long Xuyên và huyện Chợ Mới. Điển hình là các phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên), xã Hòa Bình và xã Hòa An (huyện Chợ Mới) có nhiều đoạn sạt lở với tốc độ từ 2-10m/năm.

Tin & ảnh: Linh Nga