Thừa Thiên Huế: “Biến” rác thải xây dựng thành cát, sỏi

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 14:26, 17/07/2019

(TN&MT) - Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt tại Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, cũng như khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường, việc đầu tư mô hình chế biến cát, sỏi từ rác thải xây dựng của một doanh nghiệp ở Huế hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế; là giải pháp hiệu quả trong việc xử lý rác thải xây dựng...

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự báo khoảng 10 năm tới, nhu cầu cát xây dựng của tỉnh này vượt quá năng lực khai thác cát. Vì thế, đưa ra phương án nghiên cứu dùng cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng, cát nhân tạo (cát xay), đá mi thay thế cát lòng sông đã được các cơ quan, ban ngành tính đến và tìm phương án.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra mô hình chế biến cát, sỏi từ rác thải xây dựng của doanh nghiệp và đánh giá rất cao...
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra mô hình chế biến cát, sỏi từ rác thải xây dựng của doanh nghiệp và đánh giá rất cao...


Tuy nhiên, bài toán nghiên cứu và lựa chọn vật liệu thay thế cát xây dựng không hề đơn giản. Do đó, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng điều tra, khảo sát cát nội đồng có thể làm vật liệu xây dựng thông thường thay thế cát lòng sông hay không...

Mặt khác, thời gian gần đây, thị trường cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đột ngột tăng giá lên cao chưa từng thấy, dù đã chấp nhận bỏ giá cao để mua nhưng các doanh nghiệp hay người dân cũng không dễ gì mua được do nguồn cung khan hiếm...

Trước tình hình trên, Công ty TNHH MTV Long Tường (đóng tại Cụm công nghiệp Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã tạo nên mô hình chế biến cát, sỏi từ rác thải xây dựng. Mô hình này đã được tỉnh Thừa Thiên Huế và các doanh nghiệp, người dân đánh giá rất cao...

Ông Dương Duy Long - Giám đốc Công ty cho biết, công nghệ sàng lọc cát, sỏi từ vật liệu phế thải xuất phát từ mô hình khai thác cát sỏi trên sông. Công nghệ này có thể lọc và phân loại ra thành nhiều vật liệu khác nhau phục vụ nhu cầu xây dựng như đá đúc, cát đúc, cát xây, cát tô và cả đất dùng để san lấp mặt bằng, trồng cây... Qua một thời gian triển khai, mô hình đã cho thấy sự hiệu quả và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Với một giờ vận hành công nghệ này lọc được khoảng 70 khối vật liệu đầu vào, đầu ra tùy theo lượng cát, sỏi, đất, đá của vật liệu đầu vào tương ứng cho ra sản phẩm. Ước tính một ngày công nghệ này sàng lọc được khoảng 560 khối lượng vật liệu đầu vào (loại vật liệu phế thải từ mỏ đá), cho ra tỉ lệ tương ứng 160m3 sỏi, đá; 100m3 đá (vật liệu đúc bờ lô); 100m3 cát đúc, xây; 150m3 cát tô (các mịn); 50m3 đất...”, ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, thời gian tới, công ty sẽ tiến hành thông tin, quảng bá các hoạt động của công ty đến với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh để tiến hành thu mua rác thải xây dựng, chế biến cát, sỏi cung ứng cho thị trường...

Sỏi, đá được sàng lọc từ rác thải xây dựng tại Công ty Long Tường
Sỏi, đá được sàng lọc từ rác thải xây dựng tại Công ty Long Tường

 

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay tỉnh đánh giá cao mô hình chế biến cát, sỏi từ rác thải xây dựng của Công ty TNHH MTV Long Tường. Ông Định khẳng định, trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường, việc đầu tư mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế; là giải pháp hiệu quả trong việc xử lý rác thải xây dựng, tiến đến xóa bỏ các điểm tập kết rác thải xây dựng trái phép khiến người dân bức xúc trong thời gian vừa qua...

“Đề nghị sở Xây dựng và chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho công ty tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình; hướng đến sử dụng tài nguyên tiết kiệm và bảo vệ môi trường...”, ông Định nhấn mạnh.