Phát triển hợp tác xã “thuận thiên”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:51, 30/07/2019

(TN&MT) - Thời gian tới, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ lồng ghép nội dung phát triển các mô hình sản xuất "thuận thiên" vào Đề án Phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kinh doanh hiệu quả trong cơ chế thị trường và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần thực hiện Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH.

Hiệu quả từ các HTX kiểu mới

Sau gần 3 năm triển khai Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, ĐBSCL là 1 trong 3 vùng có số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, với tổng số thành viên HTX khoảng 230.000 người. Các mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, một mặt củng cố tổ chức và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết với doanh nghiệp đầu vào đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản; mặt khác áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó BĐKH.

htx
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, ở tất cả các địa phương của ĐBSCL đều có những HTX nông nghiệp tổ chức cộng đồng, nông dân ứng phó với BĐKH. Họ tổ chức lập kế hoạch đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp nhận sáng kiến của người dân; bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng, lựa chọn và cung ứng vật tư, phân bón, cây con giống thích hợp với điều kiện BĐKH. Một số nơi cung cấp dịch vụ tưới tiêu và quản lý đê bao, bờ vùng, bờ thửa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc, sản xuất nông nghiệp.

Tại các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục nghìn ha nâng cao chất lượng hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp 10, tỉnh Đồng Tháp) đã sử dụng máy cấy 3 trong 1, cùng lúc thực hiện 3 công đoạn: cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ. HTX cũng đưa vào hệ thống quản lý mực nước tự động qua cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh, giúp nông dân chủ động điều tiết mực nước trên ruộng mọi lúc mọi nơi. Từ đó, tiết kiệm nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, nhân công và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế tự nhiên, hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Các kết quả bước đầu về lợi nhuận ròng thu được mỗi ha rất khả quan và nhiều địa phương đã lựa chọn mô hình này cho kế hoạch thích ứng trong thời gian tới. Điều này cho thấy, chuyển biến trong tư duy và hành động của nông dân, ngành chức năng và các địa phương đã góp phần hình thành những hợp tác xã kiểu mới, hướng đến các mô hình sản xuất "thuận thiên".

Phát triển nông nghiệp bền vững

ĐBSCL đang phải đối diện với 2 thách thức lớn là sự cạnh tranh nông sản khốc liệt trong hội nhập kinh tế quốc tế và những tác động xấu của BĐKH đe dọa đến sự phát triển bền vững. Những kết quả trên mới chỉ phản ánh hiệu quả bước đầu của việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới. Vẫn còn những HTX nông nghiệp còn yếu, quy mô sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, việc hình thành các mô hình HTX thích ứng với BĐKH còn tự phát, nhỏ lẻ và hầu hết chưa có cơ sở khoa học. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ cho phép xây dựng Đề án phát triển các HTX nông nghiệp kinh doanh hiệu quả trong cơ chế thị trường và ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.

Dự kiến, Đề án sẽ giúp các HTX lập kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch ứng phó BĐKH; bố trí lại mùa vụ và tổ chức sản xuất tập trung, khoa học nhằm giảm thiểu các tác động xấu của BĐKH; cung ứng và chuyển giao các giải pháp công nghệ như sử dụng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác mới; tổ chức quan trắc môi trường canh tác và các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tưới tiêu hiệu quả.

Đề án sẽ tạo điều kiện tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của HTX, nhất là sản phẩm sản xuất theo phương thức hữu cơ, sinh thái. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ HTX và các thành viên tham gia chuỗi giá trị, thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm soát chất lượng và làm đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tại Diễn đàn Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp ứng phó BĐKH ở ĐBSCL, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) nhận định, HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. Tuy vậy, nguồn nhân lực của HTX hiện thiếu cả về số lượng và năng lực nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng yếu, vốn hoạt động thiếu và khó tiếp cận.

Một số HTX đề nghị, các Bộ, ngành triển khai hiệu quả các nghị định của Chính phủ về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… để các HTX nông nghiệp vay vốn đầu tư thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cần phát triển đội ngũ tư vấn cho các HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình mới và thích ứng với BĐKH. Đây chính là những điểm nghẽn cần tháo gỡ nhanh nếu muốn phát huy vai trò của HTX nông nghiệp tại ĐBSCL.