Xây dựng khung chiến lược ít phát thải đến 2050
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:00, 10/07/2019
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), để chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hành động chính sách cụ thể cùng với công đồng quốc tế nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Trong ngắn hạn, đó là Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2014-2020, Chương trình quốc gia về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Về trung hạn, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đã đề ra các mục tiêu và hành động từ sau 2020 đến 2030 để thực hiện thoả thuận Paris. Cụ thể, Chính phủ đã thông qua quyết định số 2053/QD-TTg năm 2016 phê duyệt KHHĐ thực hiện thoả thuận Paris với những mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và phát triển các-bon thấp trong ngắn và trung hạn đến năm 2030.
Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), việc xây dựng chiến lược ít phát thải và tăng trưởng xanh của quốc gia với kế hoạch tầm nhìn dài hạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với khung thời gian phù hợp hơn đối với các mục tiêu mang tính chuyển đổi của quốc gia là hết sức cần thiết. Trên cơ sở các kế hoạch và mục tiêu quốc gia hiện có cũng như các mong muốn xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, ít phát thải dài hạn của các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ bước đầu nghiên cứu một kế hoạch sơ bộ cho việc xây dựng một chiến lược dài hạn đến năm 2050 của Việt Nam.
Khung Chiến lược ban đầu sẽ kỳ vọng bao gồm các mục tiêu, tầm nhìn cho việc phát thải ít các-bon cũng như sự lồng ghép kết nối giữa tiềm năng tăng trưởng xanh thông qua các hành động chính sách và kế hoạch hiện có. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ hình thành nên các mốc quan trọng cho Chiến lược ít phát thải và tăng trưởng xanh với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 - ông Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Richard Baron, Giám đốc điều hành Tổ chức2050 Pathways Platform, việc xây dựng các chiến lược phát thải thấp trong dài hạn là một phần trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Điều này giúp các quốc gia nhìn nhận, đánh giá tính phù hợp của các mục tiêu ngắn hạn trong tầm nhìn dài hạn, đảm bảo cân bằng việc giảm nhẹ phát thải với phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, xây dựng chính sách và chiến lược khí hậu tương thích với các ưu tiên phát triển.
Hiện, đã có 12 quốc gia đệ trình chiến lược dài hạn lên Ban thư ký công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, và Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia này để hoàn thiện chiến lược của riêng mình.
Đưa ra định hướng chiến lược tăng trưởng xanh dài hạn, ông Richard cho rằng, Việt Nam cần xác định trụ cột về hiệu quả môi trường, điện các bon thấp, điện khí hóa, sử dụng đất hiệu quả… Từ phát triển vi mô/ngành đến hiệu quả kinh tế vĩ mô, trong đó có tính đến tương tác thị trường quốc tế phù hợp với khả năng quốc gia, cơ hội kinh doanh,cạnh tranh, việc làm... "Thế giới đang hướng tới các sản phẩm dựa trên sản xuất phát thải thấp và các quốc gia tham gia vào sự chuyển mình này sẽ có lợi thế hơn trong thị trường toàn cầu" - ông Richard chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện Bộ TN&MT cũng cho biết về kế hoạch rà soát cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm thực hiện Thảo thuận Paris của Việt Nam – hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đại diện các Bộ Công Thương, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT, TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh cũng trình bày các kế hoạch và mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh của ngành/địa phương mình, đồng thời đề xuất một số ưu tiên giảm phát thải trong thời gian tới. Hội thảo có sự tham dự của một số chuyên gia quốc tế nhằm chia sẻ bài học thực tiễn trong xây dựng chiến lược phát thải thấp dài hạn đến 2050.