Vương quốc Anh sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam ứng phó BĐKH, phát triển năng lượng tái tạo

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:00, 18/05/2019

(TN&MT) - Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã cho biết như vậy, khi trao đổi với Phóng viên (PV) Báo TN&MT về quan điểm hợp tác của Chính phủ Anh với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam về cuộc chiến chống BĐKH cũng như kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu năng lượng của một quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển năng lượng sạch.
IMG 1375
Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam

PV: Thưa ông, được biết, Vương quốc Anh đang đặt mục tiêu trở thành nước đi đầu về năng lượng tái tạo, với tiềm năng đầu tư lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Xin ông chia sẻ về chặng đường chuyển đổi sản xuất điện từ than đá sang khai thác nguồn năng lượng sạch của Vương quốc Anh trong thời gian qua?
Ông Gareth Ward: Năm năm trước, trong cơ cấu năng lượng của Vương quốc Anh có 40% điện được sản xuất từ than nhưng đến nay – năm 2019 này, điện than chỉ còn 1%. Đây là bước chuyển dịch rất lớn. Yếu tố chính của bước chuyển này là nhờ vào sự thành công của phát triển năng lượng tái tạo, hay nói cụ thể hơn là năng lượng gió. Chi phí sản xuất điện gió đã giảm 50% so với trước. Đây là động lực để khối tư nhân tập trung đầu tư vào năng lượng sạch tại Anh.
PV: Vậy Chính phủ Anh có những chính sách gì để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thưa ông?
Ông Gareth Ward: Có thể nói, điều quan trọng nhất là Chính phủ Anh đã tạo nên một môi trường pháp lý lành mạnh, đưa ra thể chế giúp các nhà đầu tư tự tin vào sự đầu tư của họ. Điều này được thể hiện cụ thể thông qua các hợp đồng mua bán điện dài hạn. Các doanh nghiệp cảm thấy hấp dẫn và có niềm tin vào những dự án khả thi, có khả năng sinh lời, vì vậy, họ sẵn sàng huy động tài chính. Mặt khác, có những cú hích mạnh của chính phủ liên quan đến đầu tư, không chỉ liên quan đến các nhà đầu tư trong nước mà còn có các nhà đầu tư từ nước ngoài, như các nhà đầu tư từ Nam Phi và Đan Mạch. 
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng tái tạo ở Anh có điều kiện phát triển, bởi xuất phát từ chính các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ vừa khuyến khích, đồng thời cũng có cơ chế pháp lý về vấn đề này đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Nhiều doanh nghiệp ở Anh đã cam kết sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo và như vậy, họ cần được cung cấp năng lượng tái tạo cho hoạt động của họ. Điều đó tất yếu sẽ khiến các nhà đầu tư bỏ vốn và công nghệ cho lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, tôi nghĩ cũng tương tự như ở Vương quốc Anh. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp nước ngoài, cũng chịu áp lực từ khách hàng của họ, là họ phải sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất hoạt động của mình. Đó chính là điều kiện để Việt Nam có thể phát triển tốt hơn năng lượng tái tạo.
PV: Thưa ông, việc phát triển năng lượng tái tạo có liên quan mật thiết đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Xin ông chia sẻ quan điểm của Vương quốc Anh trong việc hợp tác với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam trên hành trình chống lại BĐKH?
Ông Gareth Ward: BĐKH đã là câu chuyện chung, vấn đề chung của toàn cầu. Để ứng phó với BĐKH, chúng tôi có một số lĩnh vực ưu tiên, liên quan đến củng cố kiến thức và cơ sở khoa học về BĐKH. Khi các quốc gia có cơ sở dữ liệu tốt hơn để hiểu biết rõ hơn về tác động của BĐKH, sẽ đưa ra được nhiều kịch bản khác nhau, giúp chúng ta quyết định chọn phương án phát triển năng lượng theo hướng nào. Bên cạnh đó, điều cần thiết là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay có nhiều công ty hoạt động về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Cùng với những phát triển về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo này, tôi nghĩ đối thoại giữa các quốc gia rất quan trọng, vì các nước cũng như Việt Nam hay Vương quốc Anh đều có những cam kết của mình ở Thỏa thuận Paris về BĐKH cách đây 5 năm. Và hiện nay, các quốc gia cũng đang rà soát lại các cam kết của mình tại Thỏa thuận này và sẽ công bố cam kết của mình vào năm 2020.
Riêng đối với Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để ứng phó với BĐKH. Vương quốc Anh muốn tăng cường đối thoại giữa hai nước về nghiên cứu khoa học liên quan đến đa dạng sinh học, tính chống chịu đối với BĐKH.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN, và BĐKH sẽ là vấn đề mà các nước cần chung tiếng nói. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ làm tốt vai trò của mình, bởi Việt Nam hiểu rõ những rủi ro, thách thức cũng như cả cơ hội liên quan đến BĐKH, mà đơn cử rõ nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
PV: Nói đến câu chuyện ở ĐBSCL, vùng đất này được dự báo là một trong những vùng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Vậy Chính phủ Anh sẽ có những hoạt động gì để giúp ĐBSCL vững vàng hơn trước BĐKH, thưa ông?
Ông Gareth Ward: Tôi sẽ đi Cần Thơ vào tuần sau và sẽ làm việc cụ thể với Đại học Cần Thơ về một số hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam liên quan đến vấn đề về nhiễm mặn ở ĐBSCL. Chúng tôi cũng có một số dự án mới phối hợp với 10 trường đại học ở các quốc gia, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Thông qua chương trình hợp tác và các dự án này, chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu tác động liên quan đến sinh kế của người dân thích ứng với BĐKH, những công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp để giảm thiểu tác động của BĐKH đến việc canh tác lúa,…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!