Bình Thuận đang đối mặt với nhiều hiểm họa từ biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:30, 31/08/2018

(TN&MT) - Dưới tác động của biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Thuận liên tục bị sạt lở, khô hạn… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
v1
Biển xâm thực đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển và đánh sập hoàn toàn nhiều căn nhà của người dân tại  xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết

Sạt lở bờ biển, hoang mạc hóa

Trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì các loại hình thiên tai càng gia tăng về mức độ và tần số, trong đó các tai biến thiên nhiên liên quan đến sạt lở, mưa lũ, khô hạn, lốc xoáy… đã xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, tại huyện Tuy Phong, đã xảy ra tình trang sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng tại thị trấn Liên Hương, với chiều dài hơn 1.000 m, biển xâm thực vào đất liền từ 30 - 80 m làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác của các hộ dân đang sinh sống.

Còn tại thành phố Phan Thiết, sạt lở xảy ra ở khu phố 2 và 3, phường Hàm Tiến; khu phố 5, phường Đức Long và xã Tiến Thành. Tính đến thời điểm hiện nay, tại thành phố Phan Thiết có 41 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn và hơn 50 căn nhà khác có nguy cơ bị hư hỏng do triều cường, sóng biển tàn phá.

Cũng tại thị xã La Gi, trên tuyến bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Phước, bị sạt lở hơn 1.200 m, biển xâm thực vào đầt liền từ 80 - 150 m. Đến thời điểm hiện nay, có 10 căn nhà bị sập hoàn toàn và 100 căn nhà có nguy cơ bị hư hỏng do triều cường gây ra…

Cạnh đó, tình trạng khô hạn, hoang mạc hóa cũng đang diễn biến vô cùng phức tạp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Thuận, tình trạng sa mạc hóa ngày càng trầm trọng hơn ở các huyện ven biển. Đáng lo ngại là tốc độ thoái hóa đất diễn ra ngày càng nhanh, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm khô hạn của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Ông Mai Kiều - Giám đốc NN&PTNT Bình Thuận cho biết: Hiện nay, Bình Thuận có hơn 80.000 ha diện tích đất bị hoang mạc hóa, chiếm 11% tổng diện tích đất tự nhiên trên toàn tỉnh. Cụ thể, tại vùng đất khu Lê, huyện Bắc Bình, ngày trước đất tốt, hoa màu phong phú, đa dạng, động vật còn rừng trú ẩn nhưng sau mấy chục năm đã có sự thay đổi khá rõ. Hiện, không còn cây rừng, nguồn nước cạn kiệt nên các loài động thực vật không thể sinh sống được.

Cùng với đó, nhiệt độ tăng cao, hạn hán khắc nghiệt khiến hoạt động sản xuất và đời sống của nông dân tại nhiều địa phương gặp khó khăn. Mới đây nhất là tình trạng nắng hạn kéo dài trong những ngày cuối tháng 8/2018, đã khiến khiến hơn 4.400 ha diện tích hoa màu của người dân tại xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, chịu thiệt hại nặng nề…

v2
Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân ở xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bị cháy khô

Tăng cường các giải pháp ứng phó

Theo đánh giá của các nhà khoa học, để các giải pháp chống khô hạn, sa mạc hóa phát huy hiệu quả cao nhất, Bình Thuận cần xây dựng phương án như: thực hiện chính sách hài hòa giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường, đời sống cộng đồng dân cư; đẩy mạnh trồng rừng và phát triển mô hình “nông nghiệp trú ẩn” hay “nông-lâm kết hợp”. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cũng phải chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với điều kiện khí hậu biến đổi, bằng các giải pháp cơ cấu thời vụ, giống, phương thức canh tác theo hướng sử dụng ít nước.

Đến nay, Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp mở rộng diện tích đất sản xuất cho người dân như: Tăng cường trồng hoa màu để dần thay thế những cồn cát; phát triển hệ thồng thủy lợi. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 270 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có những công trình kiên cố với dung tích hơn 40 triệu m3 như: hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông... Tổng năng lực phục vụ tưới của các công trình được xây dựng là 70.000 ha. Công tác thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc chống sa mạc hóa, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp để chống sạt lở bờ biển. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở ban ngành rà soát, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc xây dựng công trình, nhà ở, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép làm ảnh hưởng đến bờ biển hoặc gây sạt lở; gia cố những đoạn bờ kè bị sụt lún… trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho địa phương nhằm hỗ trợ về nhà ở cho 80 hộ dân có nhà bị sập do triều cường, sạt lở bờ biển; hỗ trợ di dời dân khẩn cấp cho những hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ cao về sạt; hỗ trợ xây dựng khu tái định cư Tân Lý 2 tại xã Tân Bình, thị xã La Gi để ổn định đời sống cho 400 hộ và đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách để  bảo vệ bờ biển, chống sạt lở...