Tăng cường phòng cháy khu Ramsar Tràm Chim

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2016

Theo đề xuất của lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim cần lắp đặt 04 camera thí nghiệm tại các điểm C4, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B để phục vụ cho việc tuần tra, bảo vệ, đồng thời nạo vét thêm một số hệ thống lung, rọc, ao, hồ, lắp đặt trạm bơm, nâng cấp hệ thống đài quan sát nhằm phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

(TN&MT) - Để công tác phòng cháy chữa cháy tại Vườn quốc gia Tràm Chim hiệu quả, ngày 22/10, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim, Chi Cục kiểm lâm phải làm tốt hệ thống đường thuỷ vì đây là tuyến chính để phòng cháy chữa cháy; việc thi công các hạng mục phải tính toán giải pháp kỹ thuật phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thực vật sau chuyến khảo sát nhiều vị trí dự kiến bố trí trạm bơm điện và nạo vét các tuyến kênh, rọc, ao phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng vào cùng ngày.

Kiểm tra phương án phòng cháy
Kiểm tra phương án phòng cháy

Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, các đơn vị tham gia trực tiếp vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho rằng, phòng cháy được xem là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Để phòng cháy hiệu quả, ngoài tập trung cho việc hoàn thiện hệ thống thủy lợi thì công tác tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng phải xem là nhiệm vụ trọng tâm. Vườn Quốc gia Tràm Chim cần xây dựng kế hoạch trữ nước vào mùa khô và hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong năm 2017.

Từ đầu  năm 2016 đến nay, mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình nắng nóng kéo dài, mực nước ở các kênh, rọc xuống thấp, lũ về muộn nên có nhiều tác động bất lợi đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.Tính từ đầu năm đến nay, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đã xảy ra 09 vụ cháy rừng và đồng cỏ, tổng diện tích cháy là 283 ha. Các vụ cháy xảy ra liên tục từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 8, tập trung ở phân khu A1, trên địa bàn xã Phú Đức, Phú Thọ của huyện Tam Nông. Phần lớn nguyên nhân các vụ cháy là do yếu tố con người tác động.

Vườn Quốc gia Tràm Chim với tổng chu vi hơn 70km, diện tích chiếm 7.313 hecta. Đây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 20.000 cá thể loài chim nước, trên 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác... 

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, việc quy hoạch và bảo tồn Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim giai đoạn 2013-2020 với qui mô hơn 7.000ha sẽ bao gồm 3 phân khu chức năng: bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái, hành chính-dịch vụ.Đồng thời, bảo vệ khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, các loài động, thực vật quý hiếm của vùng Đồng Tháp Mười như một mẫu chuẩn quốc gia về một vùng đất ngập nước nội địa ven sông MêKông, đất chua phèn trảng cỏ ngập nước theo mùa.Trong giai đoạn 2013-2020, VQG Tràm Chim sẽ tập trung vào các nội dung như: quy hoạch hệ thống vận hành và cơ chế quản lý chế độ ngập nước trong mùa khô để làm cơ sở cho việc quản lý chế độ thủy văn, vừa đáp ứng đặc điểm ngập nước của từng loại sinh cảnh, vừa phòng cháy rừng tràm và đồng cỏ. Tổng kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2013-2020 là 208 tỷ đồng.

Vườn Quốc gia Tràm Chim là khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam và là 1 trong 8 khu vực bảo tồn các loài chim quý hiếm của quốc gia. Nơi đây có hơn 100 loài động có xương sống, 40 loài cá, 150 loài chim nước; đặc biệt là sếu đầu đỏ, loài chim có tên trong Sách đỏ thế giới. Ngoài ra, Tràm Chim còn có hệ sinh thái, thảm thực vật rất phong phú, tạo nên phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp giữa Đồng Tháp Mười. Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim đã được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới và thứ 4 của Việt Nam.

Bài & ảnh: Giang Sơn