Chương trình GIZ/ICMP hỗ trợ Cà Mau quản lý tổng hợp vùng ven biển

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 14/04/2016

(TN&MT) - Ngày 14/4/2016, tiến sĩ Christian Henckes - Giám đốc Chương trình “Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (ICMP)” đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, nhằm đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Quang cảnh đoàn làm việc
Quang cảnh đoàn làm việc

ICMP là chương trình phát triển do Chính phủ Đức và Úc tài trợ, ủy quyền cho Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện. Hiện nay, chương trình đang hỗ trợ cho 5 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang ứng phó với sự thay đổi của môi trường và tạo nền móng cho tăng trưởng bền vững.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, giai đoạn 1 (2011 – 2014), Chương trình ICMP đã hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án lồng ghép sự thích ứng với biến đổi khí hậu vào việc lập kế hoạch quản lý vùng ven biển tỉnh Cà Mau (gọi tắt là dự án CCCEP Cà Mau), với kinh phí trên 2,5 triệu Euro. Giai đoạn 2 (từ năm 2015 – 2018), tiếp tục thực hiện dự án quản lý tổng hợp vùng ven biển tỉnh Cà Mau.

Nhiều sông rạch vùng nông thôn trơ cạn đáy
Nhiều sông rạch vùng nông thôn trơ cạn đến đáy

Cà Mau có đường bờ biển dài khoảng 254 km. Trong đó, chiều dài đường bờ biển Tây 154 km, còn lại là chiều dài đường bờ biển Đông. Bên trong được chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh mương chằng chịt, có tổng chiều dài trên 10.000 km, có 87 cửa sông thông ra biển, đặc biệt có rất nhiều “giáp nước”. Cà Mau là vùng nguy hiểm, vì là nơi có địa hình rất thấp so với mặt nước biển, là tỉnh duy nhất chịu tác động của cả hai chế độ: nhật triều và bán nhật triều không đều. Vì vậy, Cà Mau là tỉnh dễ bị tổn thương nhất trước diễn biến cực đoan của thời tiết.

Kênh mương, đồng ruộng khô cạn nước
Kênh mương, đồng ruộng khô cạn nước

Do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ năm 2007 đến nay, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra nghiêm trọng, bình quân 15m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Có 80% đường bờ biển kể cả bờ biển Đông và bờ biển Tây bị sạt lở, với diện tích rừng phòng hộ bị mất khoảng 305 ha/năm. Qua khảo sát, toàn tuyến bờ biển có 40,528 km sạt lở. Trong đó, có 06 đoạn sạt lở rất nguy hiểm, tổng chiều dài 22,982 km, thuộc địa bàn các xã: Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), xã Tân Hải (huyện Phú Tân), xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) và 02 đoạn sạt lở nguy hiểm đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (huyện U Minh), đoạn Sào Lưới (huyện Phú Tân).

Hiện, tỉnh Cà Mau cần khoảng 150 tỷ đồng để thực hiện giải pháp khẩn cấp bảo vệ các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm này.

Ông Thân Đức Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Cà Mau là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, việc triển khai chương trình ICMP trên địa bàn tỉnh là việc làm thiết thực và rất cần thiết, nhằm giúp tỉnh đối phó với biến đổi khí hậu, ổn định cuộc sống cho người dân”.

Tin & ảnh: Giang Sơn