Việt Nam thực hiện sáng kiến REDD+: Đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 18/11/2014

(TN&MT) - Theo Văn phòng quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo vệ tầng ô zôn, thay đổi về rừng và sinh khối khác có thể giảm được 39,27 triệu tấn CO2...
(TN&MT) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ rừng là góp phần tích cực cho công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc tiếp nhận và nhân rộng sáng kiến REDD+. 
   
Đi đầu thực hiện các dự án thí điểm
   
  Là một trong các quốc gia thực hiện thí điểm Chương trình UN-REDD ngay từ thời điểm ban đầu, Việt Nam đã đi đầu trong việc thực hiện sáng kiến REDD+ (là thực hiện ý tưởng các nước đang phát triển giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng (so với một giai đoạn tham khảo) để nhận được thù lao về mặt tài chính từ phía các nước phát triển). Đảm bảo sự tham gia tích cực của các bên liên quan nhằm tiến hành các hoạt động như giám sát rừng, đảm bảo sự chấp thuận tự nguyện của người dân địa phương và các cộng đồng sống dựa vào rừng khác trên cơ sở được cung cấp thông tin, kiến thức.
   
   
Trồng rừng ngập mặn được nhiều địa phương triển khai tích cực.
   
  Từ những thành công đạt được của giai đoạn I trong nỗ lực thích nghi với BĐKH toàn cầu, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong 47 nước đối tác UN–REDD được chuyển sang giai đoạn II với khoản ngân sách tài trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD. Bên cạnh đó, Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt ngày 10/1/2013. Dự án nhằm mục tiêu: Hỗ  trợ nâng cao năng  lực tổ chức và kỹ thuật của Ban Chỉ đạo, Văn phòng REDD+ Việt Nam, một số các cơ quan có liên quan ở trung ương và ở 3 tỉnh thí điểm nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+. Dự án sẽ được thực hiện từ 2013 - 2015 với tổng vốn đầu tư là 3,8 triệu đô la Mỹ. 
   
  Thạc sĩ Lê Trọng Hải (Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng hai dự án REDD+ quan trọng này cùng với các dự án thực hiện REDD+ ở Việt Nam do các tổ chức khác thực hiện trên phạm vi cả nước đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tổ chức, điều phối thực hiện REDD+ trên phạm vi toàn quốc, hoàn thiện Hệ thống theo dõi diễn biến rừng toàn quốc để theo dõi và báo cáo các hoạt động REDD+; xây dựng đường phát thải cơ sở toàn quốc (REL/FRL); nghiên cứu tính toán trữ lượng  cac-bon tại các bể chứa và biến động; lồng ghép, phối hợp với các chương trình, dự án hiện có triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng một cách tập trung trên các địa bàn trọng điểm để có thể giảm được lượng phát thải khí nhà kính lớn và rút kinh nghiệm nhân rộng ra các địa phương khác.
   
Đến lồng ghép vào phát triển rừng
   
  Theo Văn phòng quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo vệ tầng ô zôn, thay đổi về rừng và sinh khối khác có thể giảm được 39,27 triệu tấn CO2, chuyển đổi rừng và đồng cỏ sẽ gây phát thải 56,72 triệu tấn CO2. Theo dự báo phát thải khí nhà kính đến năm 2030 thì phát thải khí nhà kính ngành lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng dần lượng hấp thụ cácbon và lên đến khoảng 32,10 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hấp thụ này sẽ đóng góp vào việc giảm tổng phát thải của Việt Nam và là nguồn tiềm năng để tham gia Cơ chế Phát triển sạch, qua đó nhận được tín dụng từ các quốc gia phát triển.
   
  Việc đánh giá khả năng lưu trữ khí nhà kính của rừng và đất rừng hiện nay chưa được kiểm kê trữ lượng các bon, xây dựng đường phát thải cơ sở cho cả nước. Tuy vậy, trong thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu tính toán lượng hấp thụ CO2 của các loại rừng, theo từng độ tuổi. Những nghiên cứu ban đầu về lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng, làm nền tảng thiết lập thị trường giao dịch các-bon trong nước và REDD+ là một chương trình đáp ứng vấn đề còn “để ngỏ“ này.
   
  Chính vì vậy, trong đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và Quyết định Số: 543/QĐ-BNN-KHCN, Ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2050 đề ra các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ carbon và giảm phát thải KNK trong lâm nghiệp, các hoạt động chính cần thực hiện gồm: Đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo chiến lược phát triển lâm nghiệp cho giai đoạn 2010 - 2020. Với quy mô 2,6 triệu ha rừng trồng tại các vùng đất lâm nghiệp trên phạm vi cả nước, có khả năng hấp thụ 702 triệu tấn CO2. Bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng để tănglượng hấp thụ carbon và loại bỏ phát thải KNK: Với quy mô 13,8 triệu ha trên các vùng đất lâm nghiệp trên phạm vi cả nước có tiềm năng giảm phát thải, hấp thụ 669 triệu tấn CO2.
   
  Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Mục tiêu của chính sách là: Giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác hại của gió bão, sóng biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống xói lở bờ biển; chắn cát bay, chống sa mạc hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng ven biển. 
   
Nguyễn Cường