Đà Nẵng: Tiên phong đưa kiến thức về biến đổi khí hậu vào trường học

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 16/10/2014

(TN&MT) - Tăng cường giáo dục được coi là “chìa khóa” hiệu quả để cá nhân và cộng đồng ứng phó với những thách thức của Biến đổi khí hậu (BĐKH).
(TN&MT) - Tăng cường giáo dục được coi là “chìa khóa” hiệu quả để cá nhân và cộng đồng ứng phó với những thách thức của Biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, dự án “Xây dựng khả năng chống chịu ở đô thị thông qua giáo dục lồng ghép” được TP Đà Nẵng thực hiện vừa nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng ứng phó với BĐKH của học sinh, giáo viên và phụ huynh, vừa giúp họ có thể chủ động góp phần vào quá trình chống chịu với BĐKH.
   
Các tài liệu, mô hình về BĐKH luôn thu hút các bạn học sinh
   
 Đưa biến đổi khí hậu vào trường
   
  Vấn đề đưa kiến thức cơ bản về BĐKH vào các chương trình đào tạo giáo dục là nhiệm vụ đã được đặt ra trong “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” của Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phê duyệt Đề án “Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013 – 2020” với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức và kỹ năng về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai cho các đối tượng trong ngành giáo dục.
   
  Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trong cả nước với việc lồng ghép các kiến thức về BĐKH vào trường học. Đây là cách hay nhằm xây dựng khả năng thích ứng trong cộng đồng và các trường học ở địa phương chống chịu với những mối đe dọa hiện hữu từ các hiểm họa khí hậu. Phương pháp này sẽ giúp tích hợp nội dung về BĐKH qua các bài học sẵn có, dựa trên những lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng của học sinh lẫn giáo viên.
   
Khởi đầu từ thế hệ trẻ
   
  Dự án "Xây dựng khả năng chống chịu ở đô thị thông qua giáo dục lồng ghép" được thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm tại 3 trường học ở quận Cẩm Lệ thời gian qua đang mang lại nhiều kết quả khả quan, giúp nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng thích ứng của học sinh trước những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra.
   
  Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, dự án được sự hỗ trợ của Viện chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) triển khai từ đầu năm 2012, tại 3 trường: Trường Tiểu học Ngô Quyền, trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh và trường Trung học phổ thông Hòa Vang. Để xây dựng riêng một bộ giáo án giảng dạy về lồng ghép biến đổi khí hậu sát với thực trạng tại địa phương, Ban điều hành dự án thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập nhóm biên soạn gồm 30 giáo viên giàu kinh nghiệm. Sau quá trình tiến hành điều tra nghiên cứu, phân tích ý kiến từ các cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Cẩm Lệ và thông qua các buổi hội thảo, tham vấn của chuyên gia, nhóm biên soạn đã xây dựng bộ giáo án gồm 9 môn học, trong đó mỗi bậc học có 3 môn học.
   
  Cô Đặng Thị Thùy Liên - Hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Quyền cho biết: Tại trường Tiểu học Ngô Quyền, chương trình được lồng ghép giảng dạy trong các môn: Tự nhiên xã hội lớp 3, khoa học lớp 4 và môn lịch sử  - địa lý lớp 4. Do đặc điểm ở lứa tuổi tiểu học, nội dung lồng ghép chỉ tập trung giúp các em hiểu những khái niệm cơ bản về các hiện tượng tự nhiên và những tác hại của nó. Bên cạnh các buổi học chính khóa, nhà trường cũng tổ chức các buổi ngoại khóa với nhiều phần thi vui nhộn như: Thi cột bao cát phục vụ chống bão lũ, vẽ tranh hay hùng biện về tác hại thiên tai...
   
  Đối với chương trình học của bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (THPT), học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng thực tế để thích ứng hơn. Ban điều hành dự án đã nghiên cứu và tiến hành tích hợp thí điểm trong các môn địa lý, sinh học và giáo dục công dân.
   
  Cô Trương Thị Mai Anh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Hòa Vang cho biết: Trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, làm việc nhóm hay thi tìm hiểu tác động của BĐKH đến cuộc sống được tổ chức thường xuyên. Các phần thi như: Vẽ lại đường đi của cơn bão khi đã cho biết tọa độ; thi phối hợp (cột bao cát, chạy tiếp sức, xếp bao cát ngăn lũ đúng quy định) hay chằng chéo nhà, cửa đối phó với bão... giúp học sinh có thêm nhiều kỹ năng ứng dụng trong cuộc sống.
   
  Em Lê Huỳnh Nhi, lớp 5/4 là học sinh đạt giải nhất cuộc thi Rung chuông vàng về BĐKH do trường Tiểu học Ngô Quyền tổ chức hào hứng chia sẻ: Tham gia cuộc thi, chúng em hiểu hơn vì sao phải yêu và bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.
   
  Được biết, dự án sẽ tiếp tục từng bước hoàn thiện bộ giáo án. Đồng thời, cũng tiến hành tổ chức hướng dẫn giáo viên tại các trường còn lại của quận Cẩm Lệ về phương thức giảng dạy theo giáo án tích hợp, để trong thời gian đến triển khai mô hình ra toàn bộ 16 trường (gồm 3 trường đang thí điểm) trên địa bàn quận. Ngoài ra, Ban điều hành dự án sẽ nghiên cứu để phối hợp và lồng ghép với kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2020 của thành phố Đà Nẵng.
   
Bài và ảnh:NI NA