Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải nhà kính

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 13/10/2014

(TN&MT) - Mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính thí điểm tại Việt Nam đã giúp giảm hàng triệu tấn khí thải mỗi năm, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ...
(TN&MT) - Mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính thí điểm tại Việt Nam đã giúp giảm hàng triệu tấn khí thải mỗi năm, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu,…
   
  Giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề mà Việt Nam đang hướng đến. Nhiều chương trình và dự án về thích ứng đã được tập trung triển khai. Đặc biệt lĩnh vực canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính đang được phát triển trên diện rộng.
   
  Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy, tổng lượng phát thải ở Việt Nam là 150,9 Tg CO2 (triệu tấn), trong đó lượng phát thải khí nhà kính khu vực nông nghiệp là 65,09 Tg CO2, chiếm tỷ trọng cao nhất (43,1%) của tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia; trong đó khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải chiếm tỷ trọng cao nhất (57,5%) của khu vực nông nghiệp.
   
  Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã nhận định,việc xây dựng các phương án giảm nhẹ khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp có một vai trò rất quan trọng. Ngành nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu, mà còn là ngành gây ra phát thải nhà kính rất lớn. Nông nghiệp chiếm 43,1% tổng lượng phát thải nhà kính quốc gia, trong đó canh tác cây lúa nước chiếm 57,3%.
   
  Với sự tài trợ của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Thủy lợi Hà Nội và Sở NN&PTNT An Giang đã phối hợp triển khai dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính Việt Nam” (VLCRP) giai đoạn 1 (2010-2012) tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
   
  Từ tháng 7/2012, được sự tài trợ của Cơ quan Viện trợ của Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Úc, EDF cùng các đối tác của Đại học Cần Giờ và Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang và An Giang thiết kế và triển khai giai đoạn 2 của dự án (2012-2014).
   
Mô hình canh tác lúa mới này giúp giảm sử dụng giống 50%, phân bón giảm 30%, thuốc trừ sâu giảm 30%-40%...
   
  Dự án được triển khai đối với 400 nông hộ tại HTX Kênh B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và HTX Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang) với quy mô 540 ha/vụ.
   
  Sau thời gian triển khai, dự án đã cho những kết quả rất khả quan, mở ra triển vọng phát triển nền nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.
   
  Bà Trần Thu Hà, đại diện của EDF cho biết: “Dự án đã giúp tăng năng suất lúa từ 10%-15%, tăng thu nhập cho người nông dân từ 5%-10%; đồng thời giảm 7,7 tấn khí thải/ha/năm tại An Giang và giảm 45 tấn khí thải/ha/năm tại Kiên Giang, giúp bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái”.
   
  Theo bà Hà, mô hình canh tác lúa mới này còn giúp giảm sử dụng giống 50%, phân bón giảm 30%, thuốc trừ sâu giảm 30%-40%, nước giảm từ 40%-50% và giảm công lao động sử dụng từ 20%-30%.
   
  Chính vì thế, mô hình canh tác đã giúp tạo ra sản phẩm gạo an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường (bio-rice); đồng thời tạo ra sự gắn kết mô hình “4 nhà” bao gồm cả hợp tác công - tư thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của khối kinh tế tư nhân vào mô hình dự án.
   
  Nhờ những kết quả khả quan trên, mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính sẽ được xem xét để tiếp tục mở rộng tại Việt Nam nhằm tạo ra những sản phẩm gạo uy tín, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của trong nước và xuất khẩu.
   
Nhị Giang