Quảng Nam: “Vành đai xanh” ứng phó biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 14/08/2014

(TN&MT) - Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án cải tạo môi trường, trồng cây xanh tại ven biển nhằm hạn chế thiên tai, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH.
(TN&MT) - Những năm qua tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án cải tạo môi trường, trồng cây xanh tại ven biển nhằm hạn chế thiên tai, xâm nhập mặn do tác động của Biến đổi khí hậu. Ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân địa phương.
   
Rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, TP. Hội An) được giữ gìn gắn với du lịch sinh thái.
   
“Thảm họa” được báo trước
   
  Các vùng nằm ở ven sông, cửa biển của tỉnh Quảng Nam như TP. Hội An, huyện Núi Thành là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có hiện tượng nước biển dâng cao.
   
  Theo quyết định phê duyệt kế hoạch Chương trình hành động của UBND tỉnh, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2030, có thể hơn 1/3 diện tích của đô thị Hội An nằm trong vùng trũng sẽ bị nhấn chìm trong 7 năm tới. Các chuyên gia khoa học cho rằng, dự báo trên là có cơ sở thực tiễn, bởi đô thị Hội An nằm trong vùng trũng thấp, nằm ở khu vực cửa biển. Thiên tai lũ lụt thường “tấn công” vùng ven biển có địa hình thấp.
   
  Ngoài đô thị Hội An bị ngập nặng do nước biển dâng cao, các địa phương khác cũng dự báo bị ảnh hưởng như Duy Xuyên ngập gần 16% diện tích, Điện Bàn ngập hơn 26%, Núi Thành hơn 15% diện tích. Trong khi đó, ở khu vực đầu nguồn luôn đối mặt với tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn nguy cơ gây ra ngập lụt kéo dài ở vùng đồng bằng ven biển. Theo dự báo, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm - 1m. Đáng chú ý, có ít nhất 3% diện tích ở các vùng đồng bằng miền Trung sẽ bị mất hoàn toàn. Đặc biệt, BĐKH và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ven biển của cả nước, trong đó có Quảng Nam. Thiệt hại do BĐKH kéo theo GDP suy giảm bình quân từ 10 – 12%. Thực tế, BĐKH làm nước biển dâng cùng với áp lực sóng lớn đã gây sạt lở, xói mòn bờ biển trên cả nước. Hậu quả là mỗi năm có hàng nghìn ngôi nhà ven biển trong tỉnh Quảng Nam bị hư hại do bão lũ. Nuôi trồng thủy sản là hoạt động chịu nhiều rủi ro cao do tác động thảm khốc của lũ lụt, tăng nhiệt độ thời tiết và tác động của ô nhiễm môi trường.
   
Cộng đồng vào cuộc
   
  Trước sự tàn phá dữ dằn của sóng nước mỗi mùa mưa lũ đi qua khi không còn rừng ngập mặn che chắn, hơn 10 năm qua, gần 200 hộ dân thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành đã ra sức bảo vệ rừng. Theo thống kê, toàn xã Tam Giang có gần 30 hecta rừng ngập mặn nằm rải rác ở các thôn. Trong đó, Rừng Miếu – dọc ven sông Trường Giang, đoạn qua làng Đồng Xuân chiếm khoảng 20 ha chủ yếu là các loại cây mắm, mắm sừng, đước, bần, cóc… mọc tự nhiên và do dân trồng. Ngoài chức năng chắn sóng gió, bảo vệ làng mạc ít khi bị sạt lở đất, rừng Miếu còn giúp cá, tôm, sinh sản nhiều, nuôi sống lại người dân.
   
  Trưởng thôn Đông Xuân (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) Phạm Văn Nhì cho biết: Lớp người 70 tuổi như ông ai cũng coi rừng ngập mặn quê mình là vốn quý của ông cha để lại. Ngoài việc che chở xóm làng trước sóng to bão lớn, giữ đất làng khỏi bị cuốn ra sông, rừng ngập mặn còn là chiếc nôi sinh dưỡng cho cá tôm. Làng ven sông ít ruộng, đất cát lại chua mặn, dân làng cậy dựa vào lưới chài trên sông và làm nghề biển, ruộng nương chỉ là nguồn phụ. “Có rừng ngập mặn nuôi con cá con tôm lâu bền, hầu hết dân trong làng đều cậy dựa vào lưới chài trên sông. Mỗi ngày mỗi người kiếm được một ít, ngó vậy chứ cái lợi từ sông nước tính sao hết” - ông Nhì phân tích.
   
  Nằm nơi đầu sóng ngọn gió, bao đời nay làng chài Cẩm An, Cửa Đại (TP. Hội An) thường xuyên hứng chịu thiệt hại vào mùa mưa bão. Từ cuối năm 2012, được sự tài trợ của Công ty CP Sữa Vinamilk nằm trong dự án “Quỹ 1 triệu cây xanh Việt Nam”, hơn 25 nghìn cây xanh đã được trồng ở khu tái định cư làng chài Cẩm An. Bây giờ, bên cạnh những khu resort, khách sạn cao tầng, dọc vùng ven biển những vạt cây trồng mới đã bắt đầu đâm chồi. Chính quyền TP.Hội An mới đây còn bỏ tiền ra mua lại những rừng thông ven biển, phòng ngừa sự đốn hạ của người dân. Ngoài ra, còn đưa ra chương trình quản lý nghiêm ngặt những dự án đầu tư vào khu vực có đa dạng sinh học và hệ sinh thái nhạy cảm như rừng dừa Cẩm Thanh, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
   
  Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, các dự án trồng rừng ven biển dù chưa nhiều, đang trong giai đoạn nghiên cứu trồng thử nghiệm nhưng đã cho thấy có nhiều tiến triển tốt đẹp. Nằm trong kịch bản ứng phó với BĐKH, năm 2014 các địa phương trong tỉnh ưu tiên triển khai phủ xanh rừng trên đất ngập mặn ở vùng ven biển Duy Xuyên, Núi Thành và vùng cát ven biển Hội An. Ngoài mục đích hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông thì việc trồng rừng chắn sóng gió kết hợp với các mô hình ổn định sinh kế bền vững cũng là lựa chọn ưu tiên. Một nền kinh tế biển tăng trưởng xanh không thể thiếu những dự án chiến lược về cải tạo rừng.
   
Bài và ảnh:Lan Anh