Cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp “thông minh” thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 10/08/2014

(TN&MT) - Để thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng chiến lược hành động đến năm 2020 về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH.
(TN&MT) - Để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng chiến lược hành động đến năm 2020 về cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ được tái cơ cấu theo hướng nền kinh tế nông nghiệp “thông minh”.
   
Nông nghiệp Việt Nam trước đe dọa của BĐKH
   
  Theo nghiên cứu của ngân hàng thế giới, Việt Nam với bờ biển dài và hai vùng đồng bằng lớn, khi mực nước biển dâng cao từ (0,2 - 0,6)m, sẽ có từ (100.000 - 200.000) ha đất bị ngập và làm thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp. Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập khoảng từ 0,3 đến 0,5 triệu ha tại Đồng bằng sông Hồng  và những năm lũ lớn khoảng trên 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập từ 4-5 tháng, vào mùa khô khoảng trên 70% diện tích bị xâm nhập mặn với nồng độ lớn hơn 4g/l. Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa trong tổng số hơn 4 triệu ha hiện nay, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.
   
  BĐKH còn làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại có hại cho nông nghiệp. Trong thời gian 2 năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biễn ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa.
   
  BĐKH có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quí hiếm.
   
Tại ĐBSCL, các hệ thống canh tác mới là giải pháp hàng đầu để ứng phó với BĐKH
   
  Một số loài vật nuôi có thể bị tác động làm giảm sức đề kháng do biên độ dao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác tăng lên. Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết có thể làm nảy sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm và phát triển thành dịch hay đại dịch.
   
Nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu
   
   
  Nhận thức được các tác động nghiêm trọng của BĐKH đối với nông nghiệp và ý nghĩa sống còn của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã xây dựng chiến lược hành động đến năm 2020 về cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính.
   
  Theo đó, sẽ điều tiết thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp đầu tư vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp có thương hiệu xanh và thích ứng cũng như xúc tiến hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nền kinh tế nông nghiệp “thông minh” với các tác động của biến đổi khí hậu.
   
  Với những người nông dân, ý thức được mình là đối tượng hứng chịu ảnh hưởng đầu tiên của BĐKH, họ đã tự mình tìm ra lối thoát để thích ứng dần với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
   
  Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng BĐKH. Tình trạng lốc xoáy gây thiệt hại nhà cửa của người dân và ngập úng vẫn thường xuyên xảy ra.
   
  Vì vậy, việc phát triển mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH đang được triển khai tích cực. Mô hình được chọn là nuôi cá lóc trong vèo. Ưu điểm của nuôi cá lóc trong vèo là nông dân không phải lo lắng vì rất chủ động được nguồn nước. Nước lên tới đâu thì đưa mùng lưới lên theo, bởi vậy nuôi trong vèo thuận tiện hơn nuôi cá trong ao và phù hợp với điều kiện đặc điểm tự nhiên của vùng trũng thị xã Ngã Năm.
   
  Anh Huỳnh Văn Hải, khóm Mỹ Thanh, phường 3 là một trong những người thành công khi áp dụng mô hình sinh kế này. Mỗi năm anh Hải nuôi khoảng 2 - 3 đợt, mỗi đợt 500 - 800 con cá giống. Anh cho biết: “Nuôi cá lóc trong vèo là lấy công làm lời, vì tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cá tạp, tép, ốc bươu vàng… Bình quân thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/vụ”.
   
Chăm sóc cá trong vèo ở Sóc Trăng
   
  Không chỉ có mô hình nuôi cá trong vèo, TX Ngã Năm còn có nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng màu ngắn ngày của ông Nguyễn Minh Sang ở khóm Vĩnh Tiền, phường 3. Gia đình ông Sang chỉ có 3 công đất ruộng trồng lúa, thường xuyên chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn. Đầu năm 2013 ông Sang mạnh dạn chuyển đổi 3 công đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng màu.
   
  Ông Sang chia sẻ: “Ở vùng đất này, mùa khô thì nước mặn, mùa mưa thì ngập úng nên gần đây bà con chọn mô hình trồng màu. Sản xuất không phụ thuộc vào nước trời vì tưới bằng nước giếng khoan nên cây màu vẫn phát triển tốt, tiết kiệm được nguồn nước tưới nên rất phù hợp với địa phương”.
   
  Thời gian qua, Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Ngã Năm đã triển khai nhiều mô hình thích ứng BĐKH như nuôi lươn trong mùng lưới, trồng gừng trên giàn, ủ phân hữu cơ và trồng rau trên bè… Theo đó, người dân được tập huấn, chuyển giao TBKT áp dụng vào sản xuất.
   
  Với những vùng trồng lúa như ĐBSCL, các hệ thống canh tác mới là giải pháp hàng đầu để ứng phó với BĐKH. Nhiều dự án được khởi động và đưa vào áp dụng với mục đích chính là tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của hệ thống canh tác lúa thông qua việc cung cấp công nghệ và kỹ thuật mới.
   
  TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, tùy từng giống lúa, hiện Viện đang nghiên cứu, bổ sung thêm các yếu tố chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH, chẳng hạn có thể chịu được độ mặn 5- 6 phần nghìn (so với 1- 2 phần nghìn như trước kia), chịu khô hạn hoặc ngập úng đến vài tuần...
   
  Còn tại phía Bắc, chương trình "Tăng cường năng lực cho nông dân trồng lúa quy mô nhỏ miền Bắc” đã hỗ trợ mở rộng ứng dụng về hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)  tại 6 tỉnh điểm là Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh.
   
  Hiện nay, có trên 264.000 nông dân áp dụng toàn phần và từng phần SRI trên 85.422 ha tại 21 tỉnh miền Bắc; trong đó tại 6 tỉnh chương trình hỗ trợ, số nông dân áp dụng và diện tích áp dụng chiếm 43%. Mô hình hệ thống SRI ứng dụng kỹ thuật mới để giảm mật độ gieo cấy, giảm nước tưới, giảm phân hóa học và thuốc trừ sâu.
   
  Theo bà Lê Minh, điều phối viên quốc gia, đại diện Oxfam Mỹ, so với biện pháp canh tác truyền thống, SRI tiết kiệm được 80-90% giống, giảm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu, 40% nước, giảm phát thải khí methane từ đất… tăng thu nhập thêm khoảng 1,8-3,5 triệu đồng trên một ha mỗi vụ lúa.
   
Phạm Thu Hà