Làm gì để Hà Nội sạch hơn? - Kỳ II: Cần quyết sách đồng bộ: Khai nguồn năng lượng xanh

Tin tức - Ngày đăng : 12:00, 08/08/2019

(TN&MT) - Thủ đô Hà Nội đang đứng trước cuộc khủng hoảng môi trường trầm trọng khi hàng ngày phát sinh đến 6.500 tấn rác thải, trong khi dự báo, đến năm 2021, sẽ không còn quỹ đất để chôn lấp. Trước thực tế đó, việc xử lý bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn - TX. Sơn Tây đã giảm 80% lượng rác thải chôn lấp góp phần giải quyết bài toán nan giải này của Thủ đô.

Giảm chôn lấp

Hiện nay, tình trạng các khu xử lý, chôn lấp rác của Hà Nội (Nam Sơn và Xuân Sơn) đều quá tải và đã được nâng cốt, hòa ô, đào hố khẩn cấp… nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Trung bình mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tiếp nhận khoảng 4.500 - 4.900 tấn rác và bãi rác Xuân Sơn (Thị xã Sơn Tây) tiếp nhận khoảng 1.400 tấn rác/ngày đêm. Trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Quốc Oai… các ao, hồ, bờ sông, chân cầu, lề đường cho đến bãi đất trống đầu ngõ, trong xóm, khu dân cư… đều bị “biến” thành nơi chứa rác thải sinh hoạt, làm tăng nguy cơ phát tác dịch bệnh, đe dọa sức khỏe con người…

anh 2b
Tất cả các loại rác thải được đưa vào lò đốt của Nhà máy xử lý chất thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Xuân Sơn. Ảnh: Tuyết Chinh

Theo ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, điều khó khăn nhất ở đây, nếu chúng ta tiếp tục chôn lấp, TP. Hà Nội sẽ ko còn quỹ đất để chôn lấp với 2 khu xử lý trên. Do vậy, bên cạnh tập trung đẩy mạnh nhà máy đốt rác công suất 4.000 tấn/ngày đêm ở Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, TP. Hà Nội phấn đấu hoàn thành 2 nhà máy xử lý chất thải chuyển thành năng lượng Khu xử lý chất thải Xuân Sơn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Với mục tiêu đó, Hợp tác xã (HTX) Thành Công đã đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo tại Khu xử lý rác Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Ông Phạm Thiện Lộc - Giám đốc HTX Thành Công cho biết, xuất phát từ thực trạng rác thải sinh hoạt địa bàn phía Tây TP. Hà Nội ngày càng ùn ứ, các bãi chôn lấp rác đã quá tải, UBND thành phố đã chấp thuận cho HTX Thành Công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Xuân Sơn với mục tiêu xử lý và tái chế chất thải rắn thành các sản phẩm có giá trị kinh tế, giảm chôn lấp và tái ô nhiễm thứ cấp. Theo tính toán, xử lý rác bằng phương pháp đốt công suất 250 tấn/ngày đêm tại nhà máy này, khoảng 80% lượng rác chôn lấp và tiến tới tái chế.

anh 2c
Tro xỉ sau khi đốt được mang đi chôn lấp hợp vệ sinh. Ảnh: Tuyết Chinh

Có mặt tại khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt của HTX Thành Công ở Khu xử lý rác Xuân Sơn vào một ngày tháng 7, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Nhà máy xử lý rác chi nhánh Xuân Sơn (HTX Thành Công) cho hay, theo dây chuyền công nghệ cũ rác thải được phân loại sơ từ rác thải quá cỡ, dị dạng (chăn bông, chăn chiếu,…), rác thải độc hại, vật liệu xây dựng (bê tông, gạch vỡ quá cỡ), xà bần và rác có thể tái chế (nhựa sạch, thủy tinh,…). Các sản phẩm hữu cơ có kích thước lớn, các sản phẩm khó phân hủy được đem đi đốt trực tiếp trong lò.

 “Công nghệ đốt mới đã xử lý triệt để hoàn toàn khói bụi cũng như đạt các quy chuẩn kỹ thuật khác về nhiệt độ, chất lượng khí thải. Đặc biệt, không có nước rỉ ra bên ngoài khi tất cả đều được hoàn lưu, tức là tuần hoàn trong một hệ thống bể chỉ có cấp vào mà không có cấp ra”, anh Phạm Văn Nghênh - cán bộ kỹ thuật trực tiếp vận hành tại Nhà máy xử lý chất thải của HTX Thành Công chia sẻ.

Hướng tới “thu hồi nhiệt”

Với công suất 250 tấn/ngày đêm, hiện, lò đốt rác đốt được khoảng 80% rác hữu cơ và các chất thải khác, còn lại 20% chất trơ không đốt được. Chất thải và tro xỉ sau đốt được vận chuyển bằng xe tải sang khu ô chôn lấp 3ha để xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Riêng phần chất thải nguy hại (nếu có) trong quá trình phân loại sẽ được lưu giữ tại khu lưu giữ và được xử lý theo quy định.

IMG 8129
Trung tâm điều khiển tự động của HTX Thành Công tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn. Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Trung Hải cho biết, tỷ lệ tro xỉ còn lại để chôn lấp chiếm một phần nhỏ nhưng để phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tái chế của Chính phủ, HTX Thành Công đang nghiên cứu phương pháp thu hồi nhiệt để phát điện và tận dụng nguồn tro xỉ để ép làm gạch không nung. Khi đó, chất thải phát sinh từ công đoạn này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công đoạn khác. Chu trình này sẽ giúp giảm phát thải, giảm ô nhiễm, giảm chi phí tạo nguồn nguyên liệu mới, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, hạn chế tối đa chi phí xử lý rác thải.

 “Dự kiến, HTX sẽ thí điểm chu trình này vào cuối năm 2019 để giảm tối đa tỷ lệ chôn lấp. Đặc biệt, tận dụng sản xuất gạch không nung để làm vật liệu xây tường bao quanh nhà máy. Bên cạnh đó, làm nồi hơi thu hồi nhiệt sản xuất điện, từ nhiệt lượng chuyển thành điện năng để có thể tự cung tự cấp cho vận hành nhà máy”, ông Hải khẳng định.

Được biết, HTX Thành Công đã ký kết và đặt thiết bị sản xuất điện từ Nhật Bản. Công nghệ này sẽ sớm được triển khai làm thí điểm để sớm đưa vào vận hành sử dụng.