Thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon từ rừng
Tin tức - Ngày đăng : 17:10, 07/08/2019
Dự thảo cũng quy định về mức chi trả phù hợp mức giá trung bình mà các doanh nghiệp sẵn lòng chi trả. Theo đó, đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu 4 đồng/kwh, tương đương 2 USD/tấn CO2. Đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng, mức thu 2.100 đồng/tấn Clanhke, tương đương 1,35 USD/tấn CO2. Theo kết quả tính toán, mức tiền chi trả này sẽ không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm cũng như chi tiêu của các hộ gia đình.
Định giá khí thải CO2 là cơ chế để doanh nghiệp trả một phần tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Do vậy, dự thảo quy định về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ lưu giữ và hấp thụ các bon của rừng dựa trên nguyên tắc: người gây phát thải khí nhà kính phải trả tiền dịch vụ. |
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp), mức chi trả này thấp hơn mức Ngân hàng Thế giới dự kiến mua giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ là 5 USD/tấn CO2. Với mức chi trả này, dự kiến 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng/năm.
Số tiền này sẽ được chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng. Đây là nguồn thu đáng kể phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm áp lực ngân sách nhà nước, đồng thời cũng góp phần thực hiện chủ trương nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, gia tăng các sản phẩm và dịch vụ sinh thái từ rừng, tạo sinh kế cho người dân.
Dự kiến, thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2020. Dựa trên nguyên tắc về rừng có tiềm năng hấp thụ và lưu giữa các bon và được duy trì ổn định trong thời gian tương đối dài, dự thảo xác định các loại rừng được chi trả gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng đặc dụng, phòng hộ. Đối với rừng trồng sản xuất tham gia vào hoạt động này thì phải là rừng được cấp chứng chỉ.
Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thí điểm và chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ, góp ý để hoàn thiện nội dung dự thảo Quyết định. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, việc từng bước hình thành thị trường tín chỉ các bon tại Việt Nam là một xu thế tất yếu, bởi đây là công cụ quan trọng để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh và đáp ứng các Thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon của rừng là vấn đề mới ở Việt Nam và còn nhiều khó khăn, nhưng là việc phải làm sớm và bắt buộc phải làm đúng thông lệ quốc tế. Thứ trưởng yêu cầu tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện dự thảo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên.