Gia Lai: Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi đảm bảo môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 22:16, 10/07/2019
Theo đó, đoàn công tác đã đến kiểm tra ở điểm chôn lấp tập trung lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại thôn Tân Lạc, xã Bình Giáo (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Điểm chôn lấp nằm trong rẫy cà phê của hộ chăn nuôi, cách cơ sở chăn nuôi 2.000m, số lợn bị tiêu hủy tại điểm này là 44 con, trọng lượng hơn 02 tấn.
Hố chôn lấp có diện tích 15m2, sâu 2m, được lót đáy bằng bạt, sau đó rải một lớp vôi bột theo tỷ lệ 01kg vôi/m2, tiếp tục cho bao chứa xác lợn xuống hố, phun sát trùng hoặc rắc vôi bột trên bề mặt, lấp đất và nện chặt. Lớp đất phủ bên trên bao chứa lợn khoảng 01m và cao hơn mặt đất 0,3m. Cuối cùng, phun sát trùng hoặc rải vôi bột khu vực chôn lấp để hoàn thành quá trình tiêu hủy.
Ngoài ra, còn tiến hành cô lập hố chôn, đào rãnh quanh hố, cắm biển cảnh báo, cấm các hoạt động dân sinh, sản xuất tại hố chôn lấp để khống chế phát tán ô nhiễm, xử lý hậu quả môi trường do chôn lấp lợn bệnh. Nhìn chung, công tác BVMT tại điểm tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh đều đảm bảo theo quy định.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Gia Cường - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên nhận định: Gia Lai là tỉnh rộng, người dân trên địa bàn chăn nuôi theo hình thức thả rông, nhỏ lẻ, rời rạc, hầu hết không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cũng như không có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Do đó, rất khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh phát tán.
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Gia Cường đánh giá cao công tác phòng chống dịch, cũng như công tác BVMT trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Gia Lai. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các ngành liên quan, bệnh dịch đã cơ bản được khống chế, việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh đảm bảo không phát sinh các vấn đề về môi trường. Ông Nguyễn Gia Cường cũng đề nghị các địa phương có dịch tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan giám sát quá trình sau dập dịch, đảm bảo môi trường, tạo điều kiện để bà con tiếp tục chăn nuôi trở lại, ổn định kinh tế.