Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Phải bắt đầu từ chính con người!

Tin tức - Ngày đăng : 18:47, 22/05/2019

(TN&MT) – Đó là lời khẳng định tiên quyết của Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội thảo Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được tổ chức tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) ngày 22/05/2019.
Anh 1 (1)
Phật giáo là một tôn giáo có ý thức bảo vệ thiên nhiên một cách sâu sắc, truyền thống này được hình thành từ cách đây 26 thế kỷ khi Đức Phật còn tại thế.

Tại buổi Hội thảo Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết vấn đề môi trường, thiên nhiên hiện nay đã đến mức báo động: Thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao bất thường… Theo báo cáo của WHO mỗi năm có khoảng 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí và hơn 90% dân số thế giới đang phải hít thở trong môi trường ô nhiễm và trong giai đoạn 2030 – 2050, biến đổi khí hậu sẽ khiến khoảng 250 ngàn người thiệt mạng mỗi năm do thiếu dinh dưỡng.

Anh 2 (1)
Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết việc giải quyết vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phải bắt đầu từ chính con người!.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang thì con người là tác nhân chính gây nên khủng hoảng môi trường. Chỉ vì Tham – Sân – Si mà con người đã lạm dụng, khai thác triệt để các nguồn tài nguyên, tàn phá các hệ sinh thái… gây nên sự mất cân bằng trong tự nhiên, làm biến đổi khí hậu, nước biển dâng... và chính sự biến đổi của tự nhiên lại tác động ngược trở lại con người. Do đó, việc giải quyết vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phải bắt đầu từ chính con người! Nếu chúng ta không ý thức và làm tốt việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên thì số tiền mà chúng ta kiếm được không đủ để bù đắp lại cho việc khôi phục môi trường.

Đối với Phật giáo quan điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên đã hình thành từ cách đây 26 thế kỷ khi Đức Phật còn tại thế đã rất chú trọng đến việc này. Hình ảnh Đức Phật từ khi đản sinh, đến khi xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết bàn đều gắn liền với gốc cây. Đối với các đệ tử của Đức Phật cũng vậy, ban ngày tu tập dưới gốc cây, đêm đến lấy gốc cây làm nơi ngủ nghỉ. Đây là một thông điệp rõ ràng nhất, sống động nhất mà Đức Phật muốn chuyển tải đến mọi người rằng “Hãy sống hòa hợp với thiên nhiên”.

Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động như: Tích cực tuyên truyền vận động sâu rộng trong tăng ni, phật tử và tín đồ Phật tử về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu với đời sống con người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành trên cả nước không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đặc biệt là Chùa Bái Đính từ khi đi vào hoạt động đến nay không hề có việc đốt vàng mã trong chùa. Tuyên truyền vận động các tăng ni, phật tự tích cực trồng thêm cây xanh trong khuôn viên chùa, đồng chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Trong thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện cam kết về vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã thỏa thuận với chính quyền và MTTQ các cấp. Bảo vệ, giữ gìn môi trường tại các cơ sở tự viện do Giáo hội quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, tín đồ Phật tử hiểu rõ và thực hiện các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Sử dụng các loại túi bằng vật liệu thân thiện với môi trường, để rác thải đúng nơi quy định không xả bừa bãi ra môi trường. Tổ chức các khóa tu cho thanh thiếu niên con em gia đình phật tử để giáo dục, định hướng cho giới trẻ về những giá trị đạo đức truyền thống và lối sống tích cực lành mạnh.

Thượng tọa Thích Minh Quang tiếp tục nhấn mạnh con người là tác nhân gây ra mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, làm giảm hoặc tuyệt chủng các loài động, thực vật. Chính vì vậy chỉ có con người mới có thể giải quyết được khủng khoảng môi trường, thiên nhiên.

Để làm được như vậy, trước hết chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng và thường xuyên hơn nữa tới quần chúng nhân dân về hậu quả và tác hại của việc hủy hoại môi trường, chỉ khi nào người dân có nhận thức đúng đắn thì mới có hành động đúng đắn về bảo vệ môi trường. Bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm và phải xuất phát từ tâm của tất cả cộng đồng. Đồng thời, cần phải có những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi hủy hoại môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hãy sống bớt Tham – Sân – Si, biết thiểu dục tri túc, một tinh thần bất bạo động và hết long phụng sự tha nhân chính là minh chứng hùng hồn cho việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái.