Điện Biên: Vận động mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Tin tức - Ngày đăng : 07:47, 03/05/2019
Điện Biên có số lượng chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng lớn. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 2.664 chủ rừng, gồm 4 chủ rừng là tổ chức, 3 chủ rừng là tổ chức chính trị - xã hội, 34 chủ rừng là UBND xã, 960 cộng đồng và 1.663 chủ rừng là hộ gia đình, phân bố trên địa bàn 09 huyện là: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Lay, Mường Ẳng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa.
Diện tích được hưởng chi trả DVMTR năm 2018 toàn tỉnh là 268.628,047ha, trong đó: Lưu vực Sông Đà 219.755,524 ha, lưu vực nội tỉnh là 7.776,294ha, lưu vực Sông Mã: 41.096,229 ha với tổng số tiền chi trả cho chủ rừng năm 2018 trên 150 tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Công tác chi trả bằng tiền mặt trên địa bàn tỉnh thực tế gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn chi trả DVMTR chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, việc đi lại tốn nhiều thời gian, chi phí mà còn rất vất vả. Bên cạnh đó, số tiền chi trả DVMTR rất lớn, quá trình vận chuyển sẽ không an toàn, thời gian chi trả kéo dài nên cần có các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ, công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, mất nhiều thời gian…
Từ đầu năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã có những văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác mở tài khoản để nhận tiền DVMTR. Quỹ đã đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND xã trên địa bàn phối hợp với hạt Kiểm lâm đẩy nhanh việc hoàn thiện các Quyết định thành lập Ban quản lý rừng, cho các chủ rừng làm căn cứ mở tài khoản tại Ngân hàng chính sách xã hội để nhận tiền DVMTR. Đồng thời, Quỹ đã trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ rừng trên các địa bàn về thủ tục mở tài khoản ngân hàng.
Bà Đặng Thị Thu Hiền cho biết thêm: Công tác vận động người dân mở tài khoản trong chi trả DVMTR còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như địa bàn huyện Điện Biên Đông nằm trong lưu vực sông Mã, do số tiền được hưởng chi trả DVMTR ít, nhưng lại có rất nhiều chủ rừng. Số tiền chủ rừng nhận được quá nhỏ nên không muốn mở tài khoản. Đến nay, riêng huyện Điện Biên Đông chưa mở được tài khoản nào và cũng là địa bàn khó khăn nhất trong công tác vận động mở tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, nhiều hộ dân ở xa địa điểm Ngân hàng, đi lại khó khăn mà số tiền nhận được ít nên người dân chưa muốn mở tài khoản ngân hàng.
Được biết, năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, triển khai thí điểm chi trả DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho 31 chủ rừng tại 3 huyện, thị: Trong đó, huyện Tuần Giáo 10 cộng đồng, huyện Mường Chà 11 cộng đồng và 10 cộng đồng tại thị xã Mường Lay.
Cùng với đó, ưu tiên mở tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng tại huyện Nậm Pồ. Nếu Thị xã Mường Lay là địa bàn thuận lợi nhất trong công tác mở tài khoản do địa bàn và số tiền chi trả nhỏ, thì huyện Nậm Pồ, với số tiền chi trả lớn, nhiều chủ rừng là địa bàn khó khăn nhất. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cán bộ Quỹ, qua công tác tuyên truyền, vận động được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ rừng, đến nay toàn bộ các chủ rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều đã mở xong tài khoản ngân hàng. Đợt chi trả tiền DVMTR năm 2018 này các chủ rừng đều được thanh toán tiền qua tài khoản.
Lồng ghép với việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng chưa mở tài khoản ngân hàng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tuyên truyền, vận động các chủ rừng, người dân ký cam kết mở và nhận tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng.
Chị Lò Thị Xuyến, đại diện chủ rừng tại Thị trấn Tủa Chùa chia sẻ: Chúng tôi được các cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tuyên truyền, hướng dẫn mở và nhận tiền qua tài khoản, qua đó thấy được việc nhận tiền chi trả qua tài khoản Ngân hàng thì sẽ đỡ vất vả hơn cho các cán bộ, mà chúng tôi cũng thuận tiện hơn trong việc nhận tiền, muốn lấy lúc nào cùng được. Chúng tôi đã thống nhất với bà con dân bản đồng ý nhận tiền chi trả qua tài khoản ngân hàng.
Cũng theo bà Đặng Thị Thu Hiền, dự kiến đến cuối năm 2019, tỉnh Điện Biên sẽ hoàn thành việc mở và chi trả tiền qua tài khoản cho 80% chủ rừng là hộ gia đình, 100% chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn tỉnh.