Điện Biên: Nhiều khó khăn trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Tin tức - Ngày đăng : 10:51, 03/05/2019

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng, khô hanh kéo dài nên hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang trong thời kỳ cao điểm về nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và thường xuyên ở cấp IV, cấp nguy hiểm. Cùng với địa hình tại khu vực xảy ra cháy thường có độ dốc cao nên công tác đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) kịp thời, hiệu quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Do nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ở cấp độ rất nguy hiểm.
Do nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ở cấp độ rất nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Dù chủ động các biện pháp PCCCR, cập nhật kịp thời các thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo sớm của Cục Kiểm lâm và bố trí lực lượng thường trực 24/24h trong cao điểm mùa khô, tuy nhiên, thời gian qua, do mưa ít, nắng nóng kéo dài trên diện rộng đã làm các thảm thực vật tại các cánh rừng trở nên hanh khô và dễ phát cháy khi gặp lửa. Cùng với việc người dân bất cẩn trong dùng lửa để đốt nương, đốt bãi chăn thả hay đốt ong đã khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên rất cao và thường xuyên ở cấp nguy hiểm đến rất nguy hiểm.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, từ đầu mùa khô năm 2018-2019 đến nay đã có 58 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn, ước tính thiệt hại 49ha rừng. Tính riêng đợt nắng nóng tháng 4/2019, trên địa bàn tỉnh Điệ Biên đã xảy ra 49 vụ cháy rừng. Trong đó, địa phương xảy ra cháy rừng nhiều nhất là huyện Điện Biên với 24 vụ cháy.

Để đảm bảo công tác PCCCR được kịp thời, hiệu quả Chi cục Kiểm lâm đã có công điện khẩn chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyên về PCCCR; chỉ đạo UBND cấp xã bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ hằng ngày trong suốt mùa khô hanh tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ rừng và PCCCR; thường xuyên tổ chức tuần tra rừng để kịp thời phát hiện, tổ chức lực lượng chữa cháy và thông báo ngay cho chính quyền hoặc các lực lượng chức năng khi có cháy rừng xảy ra.

Yêu cầu các địa phương khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về quản lý bảo rừng còn tồn đọng; ngăn ngừa phát sinh những vụ việc mới về quản lý bảo vệ rừng; tổ chức kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng là tổ chức; tham mưu ban hành cấp dự báo cháy rừng và các bảng tra cấp dự báo cháy rừng của tỉnh; hướng dẫn kỹ thuật phát, đốt nương rẫy an toàn; huy động kịp thời lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Kiểm tra vụ cháy rừng tại địa bàn xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ.
Kiểm tra vụ cháy rừng tại địa bàn xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ.

Ông Phạm Văn Khiên, cho biết thêm: Chi cục Kiểm lâm cũng đã bố trí lực lượng kiểm lâm cơ động chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy chuyên dụng, sẵn sàng hỗ trợ Hạt Kiểm lâm cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Mặt khác, huy động các lực lượng, tổ đội PCCCR cấp thôn bản tổ chức chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ đầu mùa khô 2018 – 2019 đến nay, các địa phương đã huy động được 2.941 người tham gia chữa cháy rừng, hạn chế cháy rừng lây lan diện rộng.

Tuy nhiên, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, với địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và PCCCR. Do nhiều vị trí xảy ra cháy rừng có độ dốc cao, xa khu dân cư nên việc tổ chức ứng cứu chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ tổ chức PCCCR vẫn còn hạn hẹp; ý thức của người dân trong sử dụng lửa để đốt nương vẫn còn hạn chế…

“Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có mưa tại một số địa phương, góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, theo đánh giá thì thời tiết tháng 5/2019 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng có thể kéo dài nên nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn ở mức nguy hiểm.” - ông Phạm Văn Khiên nhận định.