Hạn chế túi ni lông trên đảo: Sơn Trà có học được Cù Lao Chàm?

Tin tức - Ngày đăng : 13:30, 25/04/2019

(TN&MT) - Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đều được ví là “viên ngọc quý” của tự nhiên với  nhiều tiềm năng khai thác du lịch. Thế nhưng, trong khi bán đảo Cù Lao Chàm là điểm sáng về bảo vệ môi trường đặc biệt là nói không với túi ni lông, bán đảo Sơn Trà vẫn chưa làm được như mong muốn. Làm thế nào để khai thác du lịch ở Sơn Trà một cách bền vững là vấn đề PV Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi với ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng.
anh Hai
Ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng

PV: Xin ông cho biết, thực trạng xử lý rác thải, hạn chế túi ni lông tại bán đảo và các bãi biển Sơn Trà, trong đó, bao gồm rác thải du lịch, rác sinh hoạt, rác tấp vào bờ?

Ông Phan Minh Hải: Tại bán đảo Sơn Trà, thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) đã tăng cường bố trí thùng rác ở các điểm du lịch, cắm các biển báo để nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường. Trong quá trình tuần tra, chốt trực thực hiện nhiệm vụ tại bán đảo Sơn Trà nhân viên của BQL thường xuyên nhắc nhở người dân và du khách chấp hành nghiêm các quy định, trong đó, đặc biệt chấp hành việc bỏ rác vào thùng hoặc mang rác ra khỏi rừng sau khi ra về. Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ tại bán đảo Sơn Trà, nhân viên của BQL tham gia hỗ trợ Xí nghiệp Môi trường thu gom rác dọc các tuyến tham quan.

Đối với công tác thu gom, vận chuyển rác, BQL đã hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường định kỳ thực hiện việc thu gom rác tại các thùng rác, dọn vệ sinh và vận chuyển, xử lý hằng ngày.

Tại khu vực các dự án và các hộ kinh doanh dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, BQL thường xuyên có thông báo nhắc nhở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực kinh doanh, đồng thời tham gia các hoạt động ra quân dọn vệ sinh do BQL tổ chức.

BQL đã phối hợp với các Câu lạc bộ, Đội, nhóm, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động tuyên tuyền nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến cáo người dân và du khách hạn chế sử dụng túi ni lông và rác đồ dùng bằng nhựa khi tham quan tại Sơn Trà và các bãi biển, ra quân dọn vệ sinh tại các tuyến, điểm tham quan tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển như Chương trình Clean for Sơn Trà, Offline Sơn Trà - Mùa Xuân, phát động phong trào dọn rác Challenge for change, phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp, các Ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch Nói không với túi ni lông, triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, diễu hành xe đạp bảo vệ môi trường, in dấu vân tay, đổi rác lấy vở…

sontra3


PV: Điều dễ nhận thấy, nhiều điểm du lịch ở bán đảo Sơn Trà còn nhếch nhác, đặc biệt, dọc đường lên bán đảo có rất nhiều túi ni lông và chai hộp nhựa. Ông có thể lý giải điều này?

Ông Phan Minh Hải: Thông qua công tác tuyên truyền, một số người dân và du khách cũng có ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, chai nhựa khi tham quan tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch. Tuy vậy, công tác thu gom, xử lý môi trường vệ sinh trên bán đảo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Bán đảo Sơn Trà là khu vực du khách tự do lên xuống, nhân viên Tổ Trật tự làm nhiệm vụ từ 7 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút hằng ngày, do đó, công tác kiểm soát khách lên xuống, đảm bảo vệ sinh môi trường vào ban đêm chưa thực hiện được.

Tại bán đảo Sơn Trà có nhiều địa điểm còn hoang sơ, phong cảnh đẹp phù hợp cho việc dã ngoại cắm trại như Mũi Nghê, Ghềnh Bàng, Bãi Đá Đen. Tại các khu vực này thường xuất hiện các nhóm du khách tự phát tổ chức cắm trại lưu trú qua đêm, đốt lửa, ăn uống gây khó khăn cho công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặc dù BQL đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân và du khách đảm bảo vệ sinh môi trường khi tham quan tuy nhiên không ít trường hợp thiếu ý thức vứt các loại rác thải bừa bãi, không bỏ rác đúng nơi quy định khi tham quan. Một số nhóm khi tổ chức ăn uống cắm trại, đốt lửa qua đêm không thu gom rác gây mất mỹ quan môi trường.

Ngoài ra, Sơn Trà là bán đảo của một đô thị lớn, nên rác thải từ nhiều nguồn theo con sông ra biển và rác theo sóng dạt vào bờ và các ghềnh đá với khối lượng lớn, đặt biệt vào các đợt mưa lũ, khối lượng rác tất vào bờ cực lớn cần sự tham gia của nhiều lực lượng, tổ chức xã hội mới thu gom trả lại môi trường sạch đẹp.

PV: Giải pháp của BQL địa phương trong thời tới nhằm giữ bán đảo và các bãi biển được sạch đẹp, thưa ông?

Ông Phan Minh Hải: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường trên nhiều kênh thông tin: trực quan sinh động bằng bảng biểu, đài, báo chí, loa phát thanh ven biển, đăng tải trên Website của Sở Du lịch và BQL.

Đồng thời, BQL tiến hành ký cam kết với các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ tại bãi biển du lịch và bán đảo Sơn Trà có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường du lịch: trang bị lắp đặt các thùng rác, dọn vệ sinh môi trường tại khu vực kinh doanh…

Bên cạnh đó, BQL cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp xử lý hệ thống cống xả tại bãi biển.

Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các câu lạc bộ, đội nhóm, đoàn trường các trường Đại học, các tổ chức xã hội…. tổ chức các hoạt động ra quân dọn dẹp, tuyên tuyền nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến cáo người dân và du khách hạn chế sử dụng túi ni lông và rác đồ dùng bằng nhựa khi tham quan tại Sơn Trà và các bãi biển. Xây dựng và triển khai các chương trình hành động: ” Cùng chung tay mang rác về để bán đảo xanh tươi”; “Biển yêu bạn - Bạn yêu biển”…

Chúng tôi đang trình phương án hình thành mô hình quản lý có kiểm soát khách ra vào tại bán đảo sẽ góp phần hạn chế tình trạng khách du lịch tự phát gây tác động xấu đến môi trường.

PV: Ông có nhận xét như thế nào về cách xử lý rác thải, hạn chế túi ni lông, các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại hai đảo Cù Lao Chàm và Lý Sơn qua loạt bài của PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện?

Ông Phan Minh Hải: Với bài học từ thực tiễn ở Cù Lao Chàm trong loạt bài của Báo Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi nhận thấy, việc vận động nâng cao ý thức cộng đồng và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường cần có quyết tâm rất cao từ các cấp chính quyền, thuyết phục người dân thấy cái lợi từ việc gìn giữ môi trường trong việc phát triển du lịch.

Tôi cho rằng, đây là cách làm thiết thực hiệu quả, huy động sức mạnh cộng đồng, người dân địa phương cùng tham gia với các cơ quan chức năng trong việc phân loại xử lý rác, hạn chế túi ni lông, chất thải nhựa dùng một lần. Thời gian tới, BQL sẽ học tập áp dụng có chọn lọc các mô hình đã thành công ở một số địa phương trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch. Hy vọng, du khách đến với biển Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà khi về lưu lại ấn tượng đẹp về một không gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí luôn sạch đẹp.

PV: Trân trọng cám ơn ông!