Đà Nẵng: Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Tin tức - Ngày đăng : 21:18, 21/04/2019
Phấn đấu năm 2020 tái sử dụng 12% chất thải rắn sinh hoạt
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025 tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của HĐND thành phố về quản lý CTRSH, với yêu cầu công tác phân loại CTRSH được tổ chức triển khai đồng bộ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên đánh giá, cải tiến trong quá trình thực hiện, phát huy những sáng kiến, góp ý trong cộng đồng, đồng thời huy động sự tham gia tích cực của tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố.
Theo đó, CTRSH thành phố được phân loại thành 4 nhóm chính: (1) CTRSH tái chế, tái sử dụng, gồm các thành phần giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại; (2) CTRSH có thành phần nguy hại, gồm các thành phần pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng…; (3) CTRSH có kích thước lớn, cồng kềnh, chất thải vật liệu xây dựng; (4) CTRSH còn lại từ sinh hoạt, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác…
Đối với nhóm (1), ngoài các thành phần tái chế đã quy định trên, UBND thành phố khuyến khích việc tổ chức phân loại chi tiết, phù hợp với điều kiện mỗi địa phương, đơn vị; sau năm 2023, UBND thành phố xem xét tổ chức phân loại thêm các thành phần cao su, ni lông, thủy tinh… Đối với nhóm (3), khuyến khích UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, xử lý phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương; UBND thành phố sẽ hướng dẫn và triển khai phân loại, thu gom, xử lý sau khi đưa vào hoạt động các trạm trung chuyển CTRSH của thành phố. Đối với nhóm (4), khuyến khích UBND các quận, huyện, các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý thêm các thành phần khác, ví dụ như thực phẩm quá hạn, thức ăn thừa, chất thải hải sản... phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị.
Theo lộ trình thực hiện, năm 2019 sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phân loại CTRSH tại nguồn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố; tổ chức khảo sát, điều tra, xây dựng kế hoạch phân loại chi tiết cấp quận, huyện, tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hiện phân loại; chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Triển khai phân loại CTRSH từ tháng 7/2019 tại quận Hải Châu và từ tháng 9/2019 tại các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố. Dự kiến, kinh phí thực hiện năm 2019 trên 224 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách sự nghiệp thành phố, ngân sách sự nghiệp quận, huyện, ngân sách đầu tư thành phố và nguồn xã hội hóa đóng góp theo danh mục các dụng cụ, vật tư, trang thiết bị của thành phố.
Giai đoạn năm 2020-2022 tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện kế hoạch phân loại; triển khai phân loại nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải xây dựng. Giai đoạn năm 2023-2025 tiếp tục triển khai, hoàn thành kế hoạch phân loại CTRSH, đồng thời tổ chức đánh giá tổng kết kế hoạch, xây dựng kế hoạch giai đoạn mới.
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai kế hoạch
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố tổ chức công bố, triển khai kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức tuyên truyền rộng rãi kế hoạch; họp định kỳ, đột xuất để giải quyết khó khăn, vướng mắc các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố ban hành các quy định, chính sách phù hợp để triển khai hiệu quả kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố; chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai phân loại đối với CTRSH có kích thước lớn, cồng kềnh, chất thải rắn xây dựng theo lộ trình, trình UBND thành phố phê duyệt, đề xuất chính sách về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến phân loại CTRSH.
UBND các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch; bổ sung các nội dung triển khai phân loại CTRSH trong hồ sơ đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường về Kế hoạch thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển các nhóm CTRSH sau phân loại trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại; yêu cầu các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động phân loại cân đối, đầu tư thêm các trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển để đảm bảo thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại; đồng thời, tổ chức kiểm tra thường xuyên hệ thống các điểm thu gom, tập kết CTRSH trên địa bàn, đảm bảo vệ sinh chung (quy định cụ thể việc quản lý, vệ sinh trang thiết bị tại các điểm tập kết CTRSH các loại).
UBND thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH các loại trên địa bàn thành phố bố trí vị trí tập kết, trang thiết bị, phương tiện phù hợp để lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sau khi được phân loại; đầu tư các hạng mục công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, góp phần giảm thiểu chất thải rắn chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên. Các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn thành phố có nhiệm vụ tham gia thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định, chuyển giao CTRSH sau phân loại cho tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển theo kế hoạch được UBND các cấp phê duyệt; tích cực tham gia xây dựng tổ, đội quản lý và thu gom chất thải rắn sau phân loại nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
UBND thành phố đề nghị các cơ quan truyền thông tại địa phương và các cơ quan truyền thông Trung ương tại địa phương chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, phường, xã và cơ quan, đơn vị liên quan đăng tin, bài, phóng sự về phân loại CTRSH tại nguồn; đa dạng các hình thức truyền thông để thu hút sự tham gia; nâng cao ý thức của người dân trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn.