Yên Bái: Chấm dứt hoàn toàn lò gạch thủ công gây ô nhiễm

Tin tức - Ngày đăng : 18:34, 08/04/2019

(TN&MT) – Trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã tích cực vào cuộc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg của chính phủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt thị trường gạch không nung vẫn còn nhiều hạn chế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Lâm Thắng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn Lâm Thắng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái
Ông Nguyễn Lâm Thắng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái


PV: Thưa ông! ông có thể cho biết tình hình sản xuất gạch nung và không nung trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay? Thực hiện Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được tỉnh Yên Bái triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Lâm Thắng: Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2018, tổng sản lượng gạch nung và gạch không nung trên địa bàn tỉnh đạt khoảng gần 190 triệu viên/năm. Trong đó: Gạch nung có 06 doanh nghiệp và 02 hộ cá thể đang hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuy nen, lò đứng liên tục, lò vòng với sản lượng đạt khoảng 97,2 triệu viên/năm; Gạch không nung có 11 doanh nghiệp và 120 cơ sở (hộ cá thể) đang hoạt động với sản lượng đạt khoảng 88 triệu viên/năm. Sản lượng gạch nung và không nung cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện nay.

Ngay sau khi Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành, Sở Xây dựng đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt hoạt động.

Đối với các cơ sở sản xuất bằng lò đứng liên tục, lò vòng: Sở Xây dựng đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho phép các cơ sở có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi công nghệ sản để đảm bảo việc thực hiện theo đúng lộ trình. Trong đó đối với các cơ sở còn lại không đủ điều kiện chuyển đổi giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện chấm dứt hoạt động theo đúng thời gian quy định.

PV:Sau khi các lò gạch thủ công được chuyển đổi sang gạch không nung thì thị trường tiêu thụ cũng còn rất hạn chế! Trong thời gian tới Sở có cơ chế nào để tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển đổi?

Ông Nguyễn Lâm Thắng: Để gạch không nung dần chiếm được thị trường, Sở Xây dựng đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh quy định, tại thành phố Yên Bái phải sử dụng 70% và các huyện là 50% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây đối với các dự án xây dựng được phê duyệt mới, triển khai thực hiện từ năm 2018 trở đi (đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước).

Ngoài ra, Sở Xây dựng đã thực hiện ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư xây dựng công trình thực hiện sử dụng vật liệu không nung, vật liệu hợp chuẩn, hợp quy trên địa bàn tỉnh và công bố công khai trên Website của Sở để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.

PV:Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT trên địa bàn tỉnh Yên Bái nguyên nhân gạch không nung chưa chiếm được thị trường là do tâm lý e ngại của người dân về chất lượng sản phẩm, ông có thể nói rõ hơn về chất lượng sản phẩm gạch không nung?

Ông Nguyễn Lâm Thắng: Hiện nay, theo thống kê của Bộ Xây dựng, gạch không nung gồm có 3 loại chính: Gạch bê tông (hay còn gọi là xi măng cốt liệu), chiếm khoảng 75% tổng lượng gạch không nung; gạch bê tông khí chưng áp, chiếm 15%; gạch bê tông bọt (gạch nhẹ), chiếm 5%; gạch khác (đá ong, đất hóa đá,…) chiếm 5%. Ngoài ra còn có vật liệu nhẹ; gạch bê tông và tấm tường thạch cao… Đối với tỉnh Yên Bái, gạch không nung phát triển chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu do tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương như: Đá mạt, cát, xi măng và dây chuyền sản xuất tương đối gọn nhẹ, đa phần đều được tự động hóa, vốn đầu tư không quá lớn.

Đây là loại gạch được khuyến khích sử dụng nhiều nhất và được ưu tiên phát triển mạnh nhất. Nó đáp ứng rất tốt các tiêu chí về kỹ thuật, kết cấu, môi trường, phương pháp thi công. Ngoài ra, gạch xi măng cốt liệu còn có ưu điểm: Cường độ chịu lực cao; giảm thời gian thi công; tiết kiệm vật liệu, nhân công, lượng vữa dùng để xây dựng bằng gạch không nung và trát giảm đến 2.5 lần so với gạch truyền thống; gạch xi măng cốt liệu còn có độ bền cao, sự vững chãi cho công trình; khả năng chống thấm tốt và cách âm cách nhiệt. Hầu hết sản phẩm gạch không nung xi măng cốt liệu của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều được cấp Giấy chứng nhận hợp quy và được Sở Xây dựng công bố sản phẩm hợp quy trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!