Chung khát vọng xanh hóa những dòng sông: Để “cứu” các dòng sông

Tin tức - Ngày đăng : 10:15, 14/03/2019

(TN&MT) - Xác định sông là mạch nguồn của sự sống, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hành động thiết thực để “cứu” các dòng sông này.
Anh 1


Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Đối với lưu vực sông (LVS) Nhuệ - Đáy, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành cống Thanh Liệt theo thỏa thuận giữa TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam, không mở cửa cống vào những tháng mùa khô; vận hành Trạm bơm Yên Sở để bơm nước thải ra sông Hồng.

Chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và pha loãng nồng độc các chất ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi trên sông Nhuệ - sông Đáy như: Dự án đầu tư xây dựng công trình đầu mối Liên Mạc theo hình thức hợp đồng BT, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, các dự án hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường thuộc hành lang sông Nhuệ...

Chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn, thông báo kịp thời kết quả quan trắc để các cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng nguồn nước biết và chủ động kế hoạch sản xuất, sinh hoạt. Tập trung vào các điểm từ hợp lưu sông Tô Lịch - sông Nhuệ, sông Nhuệ - sông Châu Giang tại Cống Thần xuống đến cầu Đập Phúc, qua Lý Nhân và vị trí chảy ra sông Hồng. Đồng thời, chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn ra hệ thống sông Nhuệ - Đáy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép trực tiếp ra sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn.

Việt Nam hiện có 108 LVS, với 3.450 sông, suối, tổng lượng trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3. Từ năm 2006, Bộ TN&MT đã triển khai 7 chương trình quan trắc môi trường nước: LVS Nhuệ - sông Đáy (5 đợt); LVS Cầu (5 đợt); LVS Đồng Nai - sông Sài Gòn (4 đợt); LVS Mã - sông Chu (3 đợt); LVS Hồng - sông Thái Bình (3 đợt); LVS Vu Gia - sông Thu Bồn (3 đợt) và nước các sông vùng Tây Nam Bộ (3 đợt). Từ đó, đưa ra đánh giá và giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng nước trên các sông.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường LVS Cầu nhiệm kỳ IV:

Để đạt được những bước tiến trong việc cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Cầu, thời gian qua, các địa phương đã triển khai quản lý và kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các nguồn nước thải có lưu lượng 200m3/ngày đêm trở lên; thiết lập hệ thống quan trắc, phân tích môi trường từ Trung ương đến địa phương… Đồng thời xây dựng và hoàn thành các cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Các tỉnh trên lưu vực sông đã ban hành hơn 40 văn bản thực thi tại địa tập trung vào xả lý nước thải và rác thải sinh hoạt, điển hình như: Quyết định số 54/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải; Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND18 ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về quan điểm và nguyên tắc xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 31/1/2018 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh…

Ngoài ra, các tỉnh đã triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trong lưu vực. Đặc biệt, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới trên LVS Cầu…

Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường LVS Đồng Nai nhiệm kỳ III:

Trong 2 năm qua, Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã phối hợp với các tỉnh, thành thuộc lưu vực kiểm soát chặt các nguồn thải để ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường. Các địa phương đầu nguồn đã chú trọng công tác trồng, bảo vệ rừng, mở rộng đầu tư mạng lưới quan trắc tự động. Xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải ra lưu vực sông Đồng Nai, lập bản đồ nguồn ô nhiễm nước trên toàn lưu vực để xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý theo lộ trình từng năm. Nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp có nguồn thải lớn đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kịp thời phát hiện, khắc phục ô nhiễm. Năm 2019, các địa phương trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiến hành thống kê, cập nhật các nguồn xả thải từ 200m3/ngày trở lên trên phạm vi toàn bộ lưu vực nhằm đánh giá mức độ tiếp nhận chất thải của hệ thống sông Đồng Nai.