TP.Pleiku (Gia Lai): Mất cảnh quan từ các bãi rác tự phát
Tin tức - Ngày đăng : 14:50, 27/12/2018
Rác thải tràn lan nơi công cộng
Rác thải, đặc biệt là chất thải nhựa, nilon khó phân hủy đang là mối lo lớn, đe dọa đến vấn đề vệ sinh môi trường của nhiều tỉnh thành, trong đó có Gia Lai. Ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh, mở rộng phạm vi thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh, song rất nhiều những bãi rác tự phát vẫn xuất hiện ở nhiều nơi như những khu vực ít dân cư, hoặc ngay trong thành phố, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, mất mĩ quan đô thị.
Đi trong thành phố, phóng viên dễ dàng nhìn thấy những bãi rác nhỏ tự phát, mặc dù, đơn vị thu gom vẫn tiến hành thu gom thường xuyên. Tuy nhiên, vì người dân không bỏ rác đúng thời gian thu gom, do đó rác vẫn bị bỏ xót, tạo thành bãi tập kết rác ngay cạnh đường giao thông. “Người dân không chịu đổ rác đúng giờ nên lúc nào bãi tập kết rác trước nhà tôi cũng chứa đầy rác, bốc mùi hôi, rất bẩn và mất mĩ quan”, bà Nguyễn Thị Năm (TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết.
Xà bần hay còn gọi là rác thải xây dựng không được thu gom nên thường bị lén lút đổ trộm ở những nơi ít dân cư hay những bãi đất trống. Những loại rác có khối lượng, kích thước lớn như ghế salon cũ, tủ, bàn bằng gỗ ép đã hư hỏng cũng bị vứt vô tội vạ ở ven đường.
Để ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi, chính quyền các thôn, xóm thường cắm biển “cấm đổ rác”, hoặc đặt các thùng rác. Thế nhưng, rác vẫn bị vứt ra bên ngoài, ngay cạnh thùng rác, ngay bên dưới biến cấm. Điều này cho thấy ý thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ môi trường là chưa cao.
Được biết, trên địa bàn thành phố Pleiku (Gia Lai), công tác thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên ở 23 xã, phường. Trong đó, một số xã chưa được thu gom hoàn toàn do lượng dân cư thấp, cho nên người dân thường phải chở rác đi bỏ ở các thùng rác công cộng hoặc các bãi tập kết quy định. Đó cũng là lý do khiến rác thải ở vùng ngoại ô thành phố luôn bị xả bừa bãi, tạo cảnh quan không đẹp mắt.
Nan giải bài toán xử lý rác thải
Ông Trương Văn Chánh - Phó Giám đốc Công ty Công trình đô thị Gia Lai cho biết: Hiện tỉ lệ thu gom rác thải tại đô thị của tỉnh Gia Lai đạt 93%, lượng rác thải thu gom trung bình khoảng 170 tấn rác/ngày. Rác thải sau khi thu gom sẽ được vận chuyển đến bãi rác thành phố Pleiku để xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh và phun các chế phẩm sinh học để ngăn ruồi, côn trùng, đảm bảo về môi trường.
Tuy nhiên, bãi rác thành phố Pleiku thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh Gia Lai. Dự án công trình xây dựng cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác với tổng mức đầu tư 73 tỉ đồng đẫ được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Do đó, việc xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp tại đây cũng tồn tại nhiều rủi ro môi trường về lâu về dài.
Ông Chánh cho biết thêm, việc thu gom, xử lý rác thải tại thành phố Pleiku cũng còn gặp nhiều khó khăn do thu gom bằng hình thức thủ công nên chưa mang lại hiệu quả cao. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương chưa hiệu quả nên ý thức của người dân chưa cao trong việc đổ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định, dẫn đến rác thải vẫn phát sinh liên tục sau khi thu gom.
Pleiku là thành phố lớn thứ 3 tại khu vực Tây Nguyên, đang phấn đấu đạt đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Gia Lai vào năm 2020. Một trong các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu này chính là vấn đề về môi trường. Cho nên, việc thúc đẩy các dự án xây dựng nhà máy xử chất thải hợp vệ sinh là điều cần thiết, đáp ứng nhịp độ phát triển của đô thị, cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.