Thừa Thiên Huế: Phát triển, kiện toàn hệ thống quan trắc môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 13:51, 21/12/2018

(TN&MT) - Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế (thuộc Sở TN&MT) thời gian qua đã từng bước được đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, máy móc và nâng cao năng lực thực hiện quan trắc môi trường; qua đó kịp thời phát hiện, đánh giá ô nhiễm môi trường, theo dõi giám sát chất lượng môi trường, nhất là ở các khu sản xuất, đô thị, sông hồ, biển...
Thiết bị hiện đại phân tích kim loại nặng trong nước, đất, chất thải... được trang bị tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế
Thiết bị hiện đại phân tích kim loại nặng trong nước, đất, chất thải... được trang bị tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế

Từng bước nâng cấp trang thiết bị

Hoạt động gần 6 năm, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế (tiền thân là Trạm Quan trắc và Phân tích môi trường) đã từng bước được đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, máy móc và nâng cao năng lực thực hiện quan trắc môi trường qua từng năm.

Năm 2014, trung tâm phân tích được 19 thông số (TS) về nước mặt, đến nay đã tăng lên 27 TS. Đo nhanh tại hiện trường thêm TS vận tốc về nước thải và phân tích từ 19 TS lên 29 TS. Phân tích nước dưới đất từ 17 (năm 2014) lên 26 TS; nước biển từ 13 TS lên 22 TS; đo nhanh nước mưa tại hiện trường thêm 3 TS và phân tích 17 TS. Về không khí, đơn vị đã tăng TS lấy mẫu từ 7 lên 13 và phân tích tại phòng thí nghiệm từ 2 lên 11 TS. Phân tích đất tăng từ 6 lên 12 TS.

Đối với mẫu trầm tích, bùn; năm 2014 chưa phân tích được, nhưng đến nay đã phân tích được 7 TS. Riêng về khí thải, trung tâm đã được chứng nhận lấy mẫu với 24 TS, đo nhanh tại hiện trường 3 TS và phân tích được 1TS.

Ngoài đầu tư về đội ngũ nhân lực, trung tâm đã tập trung đầu tư phòng thí nghiệm, phòng quan trắc; trang bị các thiết bị hiện đại, đồng bộ, đảm bảo thực hiện quan trắc, phân tích hầu hết các chỉ tiêu trong môi trường đất, nước, không khí... với 56 thiết bị, trong đó, có nhiều thiết bị mới hiện đại như: máy sắc kí khí ghép nối khối phổ, máy sắc kí ion, máy sắc kí lỏng, máy đo tổng lượng cacbon hữu cơ, máy đo hoạt độ phóng xạ...

Phòng quan trắc với nhiệm vụ lấy mẫu về để mã hóa và giao phòng thí nghiệm. Đến thời điểm hiện tại đã được đầu tư máy móc, trang thiết bị từ 14 thiết bị lên 42 thiết bị, phục vụ hiệu quả cho công tác quan trắc môi trường. Trong đó, phải kể đến một số loại máy lấy mẫu bụi, thủy sinh, khí thải, gàu trầm tích sông, biển và các thiết bị phục vụ quan trắc sự cố môi trường...

Thời gian qua, hoạt động quan trắc môi trường đã đáp ứng một phần nhu cầu về số liệu, thông tin phục vụ công tác bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng các báo cáo môi trường trình các cấp và đề xuất các biện pháp quản lý, BVMT. Trong đó đã xác định nguyên nhân cũng như đề xuất hướng khắc phục về những sự cố môi trường khiến dư luận quan tâm như: Cá chết trên sông An Cựu, dải nước màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Phú Lộc, vệt nước màu vàng ở vùng biển Lăng Cô; ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh gây bức xúc trong khu dân cư...

Điều hành hệ thống xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài
Điều hành hệ thống xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài

Quan trắc tự động, liên tục 

Thực hiện Nghị định 18 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, ngoài việc giám sát định kỳ, các chủ cơ sở phát thải nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục nước thải, khí thải và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT để kiểm soát và quản lý theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015 của Chính Phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Vừa qua, sau quá trình lắp đặt và được Sở TN&MT thẩm định nghiệm thu, hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN được đưa vào vận hành chính thức. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý theo hướng dẫn của Thông tư 24 của Bộ TN&MT quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường. Phòng điều hành trung tâm hệ thống quan trắc tự động được đặt tại trụ sở của Trung tâm. Các dữ liệu đầu vào của phòng điều hành trung tâm được kết nối trực tiếp từ điểm xả thải của Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài đến Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường với mục đích kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý của cơ sở này.

Hệ thống quan trắc tự động, liên tục 24/24h và truyền dữ liệu về phòng điều hành trung tâm theo tần suất 5 phút/lần có khả năng quan trắc tự động, liên tục tối thiểu 6 thông số môi trường nước thải phù hợp theo quy định của Thông tư 35 của Bộ TN&MT gồm: nhiệt độ, pH, độ màu, lưu lượng, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu ô xy hóa học (COD).

Thông qua thu thập được bộ dữ liệu quan trắc tự động, phòng điều hành trung tâm có nhiệm vụ cung cấp thông tin chính xác, kịp thời từ trích xuất dữ liệu theo hình thức bảng biểu, biểu đồ; quản lý, hiển thị dữ liệu; tính toán và biên tập dữ liệu về giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, giá trị trung bình, so sánh kết quả với quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Kết quả này nhằm cảnh báo sớm về ô nhiễm môi trường, cho phép đánh giá được mức độ ô nhiễm các thông số cơ bản về chất lượng nước thải sau xử lý, làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường dưới tác động của các cơ sở sản xuất, KCN.

Trao đổi với PV, ông Đặng Phước Bình - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thông tin, tại trung tâm đã được đầu tư cơ sở hạ tầng để cơ bản có thể tiếp nhận, lưu giữ, theo dõi và truyền số liệu quan trắc tự động, tín hiệu camera từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ngoài đã tiếp nhận, lưu giữ, theo dõi và quản lý số liệu quan trắc tự động tại Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Phú Bài thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Giám đốc Sở, đơn vị cũng đang phối hợp cùng Chi cục BVMT tỉnh thực hiện các bước chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức và tiếp nhận, lưu giữ, quản lý số liệu quan trắc tự động, tín hiệu camera từ hệ thống quan trắc tự động liên tục tại nhà máy xi măng Luks và nhà máy xi măng Đồng Lâm.

“Việc kết nối hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu quan trắc tự động sẽ từng bước đưa hoạt động quan trắc môi trường được đảm bảo thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, tạo thành một hệ thống quan trắc môi trường quốc gia. Trước mắt, đơn vị tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành chính thức phần mềm tiếp nhận và quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc TN&MT nói chung và tự động liên tục nói riêng, tiến tới nghiên cứu, đề xuất để kết nối vào trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh”- ông Bình thông tin.