Kon Tum: Thu gom, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm

Tin tức - Ngày đăng : 19:37, 01/10/2018

(TN&MT) - UBND tỉnh Kon Tum vừa có Quyết định số 1024 ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế sẽ thực hiện xử lý theo cụm để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ phát sinh dịch bệnh, góp phần đem lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng.
dot1
Chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu được xử lý bằng lò đốt

Tỉnh Kon Tum sẽ có 02 khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung theo cụm. Khu thứ nhất đặt tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi, với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Công suất xử lý 200kg/ngày, bao gồm toàn bộ chất thải y tế nguy hại thu gom từ 10 cơ sở khám chữa bệnh và phòng khám đa khoa tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Đăk Glei (tỉnh Kon Tum).

Khu thứ 2 đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kon Tum, với vốn đầu tư hơn 13 tỉ đồng. Công suất xử lý 400kg/ngày, bao gồm toàn bộ chất thải y tế nguy hại gom từ 18 cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám tư nhân tại thành phố Kon Tum và các huyện lân cận như Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).

Xử lý theo cụm, tất cả lượng chất thải y tế nguy hại sau khi phân loại được xử lý bằng thiết bị khử khuẩn sử dụng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý. Ở nhiệt độ cao, chất thải y tế nguy hại đảm bảo được khử khuẩn, đạt quy chuẩn môi trường.

Để duy trì tính bền vững của hệ thống xử lý, yêu cầu chất thải y tế nguy hại phải được phân loại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chất thải lây nhiễm phải được thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải. Quá trình thu gom đảm bảo không bị rơi vãi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Chất thải y tế lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm sẽ được ưu tiên xử lý trong ngày, lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20oC và lưu giữ không quá 02 ngày. Quá trình bàn giao chất thải được ghi chép, ký nhận đầy đủ và dùng làm căn cứ xử phạt khi chất thải y tế bàn giao không được phân loại, bảo quản theo đúng quy định.

dot2
Việc đưa chất thải y tế nguy hại xử lý theo cụm là phương án thay thế, đảm bảo về vấn đề môi trường

Theo Kế hoạch này, tại cụm Bệnh viện đa khoa Ngọc Hồi, chất thải y tế nguy hại sẽ được thu gom 02 ngày/lần. Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum và các cơ sở y tế phát sinh nhiều chất thải sẽ thu gom 1 lần/ngày. Mỗi cụm xử lý chất thải rắn y tế được trang bị 01 xe ô tô vận chuyển chất thải có thùng chứa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định.

Sau xử lý, chất thải giảm gần 70% thể tích và được đưa đi xử lý chung với chất thải rắn thông thường. Để đảm bảo chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn, các cụm xử lý chất thải phải thực hiện kiểm định chất thải sau xử lý, gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Công ty Công trình đô thị theo đúng quy định để theo dõi, giám sát và quản lý.

Thực hiện Kế hoạch này, Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý chất thải theo quy định; giám sát công tác thu gom và sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển. Đồng thời, phối hợp tiến hành thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế trong cụm theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Việc đưa chất thải rắn y tế nguy hại vào xử lý tập trung theo cụm sẽ xử lý triệt để chất thải rắn y tế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngăn ngừa suy thoái môi trường với mục tiêu bảo đảm các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum xử lý chất thải rắn y tế đạt chuẩn môi trường.

Trước đó, cả 02 dự án đều đã được ngành chức năng tỉnh Kon Tum phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường hồi tháng 3/2018. Các hạng mục công trình xử lý chất thải y tế theo cụm đã hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động khi có kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn về môi trường của ngành chức năng.