Hải Phòng: Cảng cá, bến cá bị sa bồi, xuống cấp, ô nhiễm môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 20:28, 10/09/2018
Bến cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây là nơi neo đậu thường xuyên của hàng nghìn tàu thuyền. Sau 8 năm đưa vào sử dụng, đến nay luồng lạch bến cá bị bồi lấp, nhiều đoạn chỉ rộng từ 4 đến 5m, độ sâu từ 0,2 đến 0,8 m. Theo chính quyền địa phương, mỗi khi mùa mưa bão, các tàu thuyền ra vào bến gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến hoạt động tránh trú, neo đậu tàu, thuyền và mua bán thủy, hải sản của hàng trăm người dân. Huyện Thủy Nguyên đang phát triển nhanh số lượng và công suất các tàu cá do chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ với hàng chục tàu công suất từ hơn 800 CV đến hơn 2.250 CV. Trong đó, hơn 70 tàu công suất từ 400 CV trở lên hoạt động thường xuyên tại bến cá thể ra, vào bến cá khi triều cường. Ngư dân mất nhiều thời gian chờ đợi, neo đậu ngoài bến. Do đó, việc mua bán, tiếp nhiên liệu cho tàu, chuẩn bị ra khơi gặp nhiều khó khăn.
Bến cá Ngọc Hải (phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn) xây dựng từ năm 1997, là nơi dịch vụ hậu cần, trao đổi hàng hóa, neo đậu tránh trú bão cho các tàu thuyền của Hải Phòng và các địa phương khác. Diện tích luồng lạch rộng hơn 208.000 m2. Cảng được thiết kế với 3 bến, công suất thiết kế từ 800 - 1.000 tàu. Trung bình có khoảng 100 - 200 tàu thuyền ra vào mỗi ngày. Trên thực tế, hiện nay tuyến luồng ra vào bến cá đang bị sa bồi rất nghiêm trọng. Các tàu cá ra vào rất khó khăn mỗi khi thủy triều xuống. Ngoài ra, nơi đây là nơi tránh trú bão của các tàu cá của nhiều địa phương. Nhiều tàu bị mắc cạn, bị đắm, hỏng khi cố vượt qua luồng. Nhiều tàu thuyền đậu đỗ sát nhau tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy trên các tàu cá.
Sau chuyến đi biển trở về bến nhưng không đưa được tàu vào bến cá, phải thuê chỗ đậu tại bến cảng của Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu hoặc các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng... Như dẫn phải tốn chi phí thuê chỗ neo đậu, trong khi khi các điểm neo đậu này không có các dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong mùa mưa bão, bến cá Ngọc Hải còn là nơi tránh trú của hàng nghìn tàu thuyền của Hải Phòng và các địa phương khác, trong đó có nhiều tàu công suất lớn từ 600 - 900CV. Nếu rơi vào lúc thủy triều xuống, rất nhiều tàu cá sẽ không thể vào được bến để tránh trú an toàn.Ngư dân rất mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng sớm nạo vét luồng ở bến cá Ngọc Hải để sản xuất không bị đình trệ và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Ngoài sự xuống cấp, một số bến cá đang xây dựng và hoàn thiện tồn tại những bất cập. Điển hình, bến cá Đông Xuân, xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, xây dựng từ 2013 với thiết kế 500 tàu công suất 300 CV trở lên, nơi tránh trú hiện đại, an toàn. Tuy nhiên, trong thiết kế của bến thiếu hệ thống bến cập tàu và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Nếu bến hoạt sộng sẽ rất khó để khai thác hết công năng. Tại khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại Quán Chánh, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, xây dựng năm 2009, diện tích 12 ha, nơi tránh trú của trên 500 tàu công suất từ 400CV trở lên. Trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư không nghiên cứu hết chức năng của một bến cá, bỏ qua dịch vụ hậu cần nghề cá đang phát triển của địa phương. Công trình rất hiện đại nhưng không an toàn, tiện lợi do thiếu bến cập tàu và hàng phao leo buộc dây hậu. Nếu sóng to, gió lớn tàu thuyền vẫn có thể va đập vào nhau, nếu phải đưa hàng hóa lên xuống tàu thì ngư dân cực kỳ vất vả…
Mỗi năm, các cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản trên địa bàn TP Hải Phòng phục vụ khoảng 12.000 lượt tàu; tổ chức 150 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển giúp các tàu đánh bắt cá tăng thời gian bám biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả khai thác. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng cá, bến cá xuống cấp gây ô nhiễm môi trường. Việc lấn chiếm, sử dụng diện tích đất dự trữ, dự phòng của dự án ảnh hưởng đến hoạt động của cảng. Việc đầu tư nâng cấp các cảng cá bến cá gặp khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu về dịch vụ hậu cần và tránh trú bão các tàu thuyền. Mức thu phí, lệ phí đang áp dụng tại các cảng cá thấp, không phù hợp với thực tế...
Trước thực trạng trên, các địa phương và cơ quan chức năng TP Hải Phòng nên rà soát thực trạng cảng cá, bến cá. Qua đó, làm căn cứ để đề xuất kiến nghị việc sửa chữa, cải tạo các công trình phục vụ khai thác thủy sản, phòng chống thiên tai. Việc nâng cấp các cảng cá, bến cá khác, cần phân kỳ đầu tư theo lộ trình phù hợp, ưu tiên các cảng, bến xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, cần có có chế để huy động các doanh nghiệp đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng, bến…