Thanh Oai - Hà Nội: Chuyển biến tích cực về môi trường từ một làng nghề

Tin tức - Ngày đăng : 14:30, 31/08/2018

(TN&MT) - Đi dọc tuyến đường vào các ngõ, xóm, khu dân cư tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội có thể thấy nơi đây đã có nhiều đổi thay. Trong...
(TN&MT) - Đi dọc tuyến đường vào các ngõ, xóm, khu dân cư tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội có thể thấy nơi đây đã có nhiều đổi thay. Trong đó, đặc biệt phải kể tới là chuyển biến trong công tác vệ sinh môi trường từ một làng nghề chuyên làm “nón chuông”, vốn trước đó còn tồn tại không ít những bất cập về việc thu gom rác thải làng nghề và rác thải sinh hoạt.
 
Đội xung kích bảo vệ môi trường làng nghề
Đội xung kích bảo vệ môi trường làng nghề phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ra quân làm sạch môi trường tại làng nghề làm nón chuông Thanh Oai, Hà Nội

Phương Trung là một trong những xã đất chật, người đông với hơn 273 ha đất nông nghiệp, dân số trên 17,5 vạn dân. Do đó, diện tích bình quân đất nông nghiệp chỉ đạt khoảng 150 m2/người. Chính vì vậy, bên cạnh hướng phát triển nông nghiệp truyền thống người dân trong xã còn đẩy mạnh phát triển làng nghề làm nón vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân vừa giữ lại một phần bản sắc văn hóa dân tộc. 

Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển sản xuất làng nghề là những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến với môi trường. Chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường ông Phạm Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung, huyện Thanh Oai cho biết: Phương Trung vốn nổi tiếng với nghề làm “nón chuông”, một sản phẩm mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, gắn với hình ảnh chiếc nón lá che nắng, che mưa cho người dân trong lao động. Tuy nhiên, do đặc thù của sản xuất làng nghề làm nón nên các nguồn phế thải gồm các đầu lá, đầu mo, nan tre... phát sinh thực tế ra ngoài môi trường là rất lớn.

Bởi vậy, để đảm bảo việc sản xuất của làng nghề làm nón không gây những tác động xấu đến môi trường, chính quyền địa phương đã quán triệt và yêu cầu các chủ cơ sở làm nghề phải ký vào bản cam kết. Trong đó, đặc biệt là các loại phụ phẩm, phế thải từ đầu lá, đầu mo, nan tre phải được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng. Do các loại phế thải làng nghề không nằm trong danh mục thu gom, vận chuyển với rác thải sinh hoạt.

Cụ thể, trên toàn địa bàn có 8 thôn thì cả 8 thôn đều thành lập tổ thu gom rác và các chủ cơ sở sản xuất phải liên hệ với các tổ thu gom này để vận chuyển, xử lý đảm bảo hợp vệ sinh, đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường.
 
Từ hiểu quả mô hình tổ thu gom thực hiện đầu tiên tại xã Phương Trung
Từ hiểu quả mô hình tổ thu gom thực hiện đầu tiên tại xã Phương Trung, đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn của huyện Thanh Oai

Cũng theo ông Phạm Việt Hùng, Phương Trung cũng là xã đầu tiên của huyện Thanh Oai thành lập tổ thu gom rác. Tổ thu gom này hoạt động ngay từ năm 2006, với mục đích là duy trì công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn luôn phải được phong quang, sạch sẽ. Hiện rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn mỗi ngày khoảng từ 3 – 4 tấn/ngày và các tổ đang tiến hành thu gom được khoảng trên 95% số lượng rác thải phát sinh trong dân.     

Bên cạnh các tổ thu gom rác, trên địa bàn xã Phương Trung còn thành lập Đội xung kích bảo vệ môi trường làng nghề với số lượng là 60 thành viên, thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và người dân trong các thôn, các xóm tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, xóa các điểm đen về tồn đọng rác thải. 

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân thức cho nhân dân về vấn đề bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới cũng được đẩy mạnh. Trong đó, đặc biệt là phòng trào hiến đất, xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa khu dân cư...

Điểm chung của các ngõ xóm khi chưa được mở rộng, bê tông hóa như các ngõ xóm tại thôn Mã Kiều các đoạn đường này thường chỉ dài 300m. Tuy nhiên, đoạn đường này vừa trật hẹp, ngoằn ngoèo lại xuống cấp trong khi đó mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện đi qua. Vì vậy, có lúc đã xẩy ra va chạm tạo không khí căng thẳng, mất đoàn kết nơi khu dân cư. Thế nhưng, nhờ có sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, các bí thư chi bộ, trưởng thôn đến vận động các gia đình đã cùng hiến đất để cải tạo, sửa chữa đường đi thuận tiện hơn cho người dân.
 
Không chỉ có thanh niên, các em thiếu niên học sinh cũng rất tích cực tham gia công tác bảo
Không chỉ có thanh niên, các em thiếu niên học sinh cũng rất tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường địa phương

Ông Đoàn Viết Tuấn – Trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết: Từ hiệu quả mô hình tổ thu gom thực hiện đầu tiên tại xã Phương Trung vào năm 2006. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tổng hợp, phân tích, đánh giá, tổng kết mô hình, đồng thời tham mưu với UBND huyện Thanh Oai triển khai đồng loạt ra các xã khác kể từ năm 2008. 

Để tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực, đồng bộ về công tác môi trường trên địa bàn, một mặt UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vi, công ty vệ sinh môi trường thường xuyên thu gom rác thải tại các xã, thị trấn. Mặt khác cùng với những mô hình hoạt động hiệu quả như Đội xung kích bảo vệ môi trường làng nghề, thì tới đây những Đội xung kích này sẽ tiếp tục được UBND huyện Thanh Oai nhân rộng ra các làng nghề khác điển hình như: Làng nghề làm bún Thanh Lương; làng nghề chế biến lương thực My Thượng; làng nghề dệt khăn, dệt len, dệt vải Thanh Thần; làng nghề chẻ tăm Tảo Dương; làng Nghề giò chả Ước Lễ; làng nghề làm bún Kỳ Thủy...