Đà Nẵng: Bảo vệ biển trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa

Tin tức - Ngày đăng : 11:39, 16/06/2018

(TN&MT) - Với lợi thế có bờ biển dài hơn 90 km, với nhiều bãi biển đẹp, có vịnh nước sâu, nguồn tài nguyên phong phú, là điều kiện lý tưởng để Đà Nẵng phát...
(TN&MT) - Với lợi thế có bờ biển dài hơn 90 km, với nhiều bãi biển đẹp, có vịnh nước sâu, nguồn tài nguyên phong phú, là điều kiện lý tưởng để Đà Nẵng phát triển du lịch, cảng biển và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, ô nhiễm biển nói chung và vấn đề rác thải biển nói riêng từ các nguồn sinh hoạt, dịch vụ du lịch, công nghiệp… đang ảnh hưởng đến môi trường và chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương. 
1. Biển Đà Nẵng bị tấn công bởi rác thải
Biển Đà Nẵng bị tấn công bởi rác thải

Hiểm họa từ ô nhiễm rác thải

Đà Nẵng đang bước vào mùa cao điểm du lịch. Trung bình mỗi ngày các bãi biển Đà Nẵng thu hút từ 5.000 đến 7.000 nghìn người mỗi ngày, đặc biệt, vào những ngày lễ hội con số này xấp xỉ 10.000 người. Với sự tập trung lớn du khách như vậy, biển Đà Nẵng hàng ngày phải chịu áp lực của sự ô nhiễm. Bên cạnh đó, môi trường biển Đà Nẵng còn phải “gánh” rác thải từ hệ thống cống thu gom nước mưa của thành phố chung với thu gom nước thải sinh hoạt, khi mưa lớn thoát không kịp tràn ra biển mang theo rác và tình trạng xả rác bừa bãi tại các âu thuyền, bến bãi… chủ yếu là rác thải nhựa.

Theo thống kê của URENCO Đà Nẵng, lượng rác thải thu gom khu vực biển tăng dần qua các năm. Hiện nay, lượng rác biển thu gom trung bình 4.000tấn/năm, chiếm 1,5% trong tổng lượng rác thải đô thị thu gom toàn thành phố, chưa tính mùa mưa bão hoặc sau các cơn mưa lớn, nước từ thượng nguồn theo các sông đổ về mang theo rác tấp vào dọc bờ biển thành phố. Điển hình như năm 2013, sau cơn bão số 11, toàn thành phố đã thu gom được khoảng 21.000 tấn rác (chỉ tính rác thu gom ở biển). Rác thải không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân và chất lượng môi trường biển Đà Nẵng.

Là cư dân gắn bó lâu năm với biển Đà Nẵng, ông Trần Chung (Nam Ô, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho rằng nguồn lợi hải sản vùng biển Đà Nẵng những năm gần đây đã sút giảm và cạn kiệt rõ rệt.

 “Trước đây, tài nguyên biển ở đảo này rất phong phú. Nhưng theo dự đoán của tôi khoảng 14 - 15 năm sau này thì nó cạn kiệt quá nhiều. Vì rất nhiều yếu tố và nguyên nhân. Thứ nhất là những tàu săn, bắt, lặn ban đêm ở vùng biển này đánh bắt cạn kiệt con gì cũng vơ vét hết, hồi đầu con cá lớn, con tôm sau bắt con cá nhỏ, rồi sau bắt con cá nhỏ nữa. Thứ hai do môi trường biển bị ô nhiễm, thủy sản chết nhiều”- ông Chung nói

2. Để bảo vệ môi trường biển, Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom rác trên biển
Để bảo vệ môi trường biển, Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom rác trên biển

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khôn lường, thiên tai bão lũ xảy ra liên tục cộng thêm những tác động tiêu cực không ngừng của con người “từ đầu nguồn đến cuối biển” thì môi trường và hệ sinh thái biển chắc còn bị ảnh hưởng lớn. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của thành phố Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu, rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.

“Rác thải nhựa là một thác thức lớn đối với môi trưởng biển, hiện nay Đà Nẵng chưa có số liệu thông kê về nguồn rác thải nhựa trên biển biển, tuy nhiên có thể nhận thấy rất rõ rằng một lượng lớn rác thải nhựa đang tồn tại trong vùng biển Đà Nẵng.”- bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng cho biết.

Dầu mỏ và các sản phẩm của dầu cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đà nẵng là đầu mối giao thông của cả nước, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 08 kho xăng dầu lớn với tổng sức chứa 144.018 m3, 110 cây xăng/dầu bán lẻ nên hàng ngày một lượng không nhỏ dầu bằng nhiều hình thức khác nhau được đưa ra biển. Dầu mỏ không nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mà con gây ảnh hưởng trực tiếp đến các loại thủy sinh vật.

Khẩn cấp bảo vệ

Đà Nẵng xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn của địa phương, do vậy, thành phố đã sớm ban hành các chính sách về bảo vệ môi trường và có nhiều giải pháp quyết liệt để chỉ đạo để thực hiện, mà xuyên suốt là Đề án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường, chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ. Thành phố không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thành phố đã từ chối nhiều dự án lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường

3. Bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của mỗi người dân
Bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của mỗi người dân

BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng phối hợp và trực tiếp giám sát Xí nghiệp Môi trường Sông Biển trong việc thu gom rác tại các bãi biển, trực tiếp thu gom rác thải nhựa và các rác thải khác trên biển trong phạm vi các bãi biển du lịch. Thực hiện tuyên truyền cho nhân dân và du khách trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển bằng nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác tại các bãi biển du lịch. Vào mỗi mùa du lịch, Công ty Môi trường Đô thị túc trực từ sáng đến chiều tối để thu gom rác thải từ khách đi biển...

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã lắp đặt từ 30 đến 50 thùng rác tại 5 bãi biển để người dân và khách du lịch bỏ rác vào thùng. Công ty Môi trường Đô thị cũng đưa vào sử dụng một máy sàn cát hiện đại để làm sạch bãi biển. Điều đáng nói, Đà Nẵng cũng đã cho xây dựng nhiều công trình vệ sinh công cộng ở các bãi biển và hàng trăm hộ kinh doanh ăn uống trên các bãi tắm cam kết về kinh doanh văn minh, lịch sự và thân thiện trên biển.

Đồng thời, thành phố duy trì phong trào ra quân ngày chủ nhật xanh sạch đẹp trên toàn địa bàn thành phố, huy động sự tham gia của người dân, học sinh sinh viên, các doanh nghiệp trong hoạt động thu gom rác trên các bãi biển.

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương cho phép lắp đặt máy lược rác tự động tại cửa xả Mỹ An (biển Mỹ Khê) nhằm bảo vệ biển Đà Nẵng trước nguy cơ ô nhiễm bởi rác thải từ cửa xả chảy ra bãi biển Mỹ Khê, nhất là trong những ngày mưa. Máy lược rác tự động sẽ thu gom rác thải trong hệ thống cống có kích thước từ 3 cm trở lên như: bao ni lông, hộp cơm, chai lọ, vật liệu nhựa, xác động vật, dầu mỡ, lá cây.... trong cống xả không để tràn ra biển.

Để kinh tế biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển một cách bền vững, các cấp, các ngành ở Đà Nẵng cần hành động ngay để bảo vệ môi trường biển khỏi bị ô nhiễm, qua đó để tiềm năng và lợi thế từ biển mãi được khai thác, đáp ứng nhu cầu phát triển.