Hải Dương: Nguyên nhân cá chết do nguồn nước không đảm bảo
Tin tức - Ngày đăng : 16:57, 17/05/2018
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hải Dương, ngày 29/4 nhận được tin báo của cán bộ Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Nam Sách, báo cáo tình trạng cá lồng trên sông Kinh Thầy, Thái Bình có hiện tượng nổi đầu đồng loạt, một số lồng nuôi cá lăng của các hộ nuôi đã bị chết.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hải Dương đã nhanh chóng chỉ đạo Chi cục Thủy sản, phối hợp với cán bộ Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Nam Sách khuyến cáo các chủ nuôi cá lồng, tập trung dùng máy sục khí, máy bơm, thả viên oxyren vào các lồng nuôi cá, để tăng cường hàm lượng oxy trong nước. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi, không cho cá ăn các loại thức ăn, trong những ngày cá có hiện tượng nổi đầu. Qua tổng hợp của phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Nam Sách và kiểm tra thực tế 3 ngày (29/4 – 1/5) số lượng cá chết trên tuyến sông Kinh Thầy là 500kg (gồm 400kg cá lăng, 100kg cá trắm cỏ, Diêu hồng) và đến ngày 2/5 hiện tượng cá nổi đầu không còn, các lồng cá trên sông Thái Bình, Kinh Thầy… hoạt động trở lại nuôi bình thường.
Bước đầu, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hải Dương xác đinh, cá bị chết do thiếu oxy, đa số các hộ vào ngày trên cho cá thức ăn, cá không ăn. Hiện tượng, cá nhao lên mặt nước, các hộ tập trung sục khí cá hoạt động trở lại bình thường, nhưng chưa sử dụng được thức ăn, những hộ có lồng cá bị chết do sục khí không kịp thời và đều ở lồng cá mới thả. Hiện tượng, cá nuôi lồng bị nổi đầu và gây chết chỉ xảy ra trên tuyến sông Kinh Thầy còn các tuyến sông khác, như: Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thái Bình, Sông Luộc, Sông Rạng không có hiện tượng nêu trên.
Để xác định nguyên nhân, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã giao cho Chi cục Thủy sản đã mời Trung tâm Quan trắc môi trường Hải Dương và Bệnh thủy sản miền Bắc về lấy mẫu cá kiểm tra, đánh giá chất lượng nước và bệnh thủy sản. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước cá một số cụm lồng trên sông Kinh Thấy, Thái Bình. Qua kết quả thử nghiệm mẫu nước của Trung tâm Quan trắc & Phân tích môi trường Hải Dương, cho thấy: Nhiều chỉ tiêu nước sông không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá lồng nuôi trên các sông Kinh Thầy và Thái Bình bị chết.
Kết quả phân tích 3 mẫu nước sông Thái Bình đoạn qua xã Nam Tân (Nam Sách) do Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện cho thấy nhiều chỉ tiêu nước sông không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Các chỉ tiêu COD (nhu cầu ô xy hóa học), NO-2-N (Nitrat), NO-3-N (Nitrit), NH+4-N (Amoni), Cl, F-, Mn, Cr tổng... đều thấp hơn nhiều lần mức dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá lồng nuôi trên các sông Kinh Thầy và Thái Bình đoạn qua các xã Nhân Huệ (thị xã Chí Linh) và Nam Tân (huyện Nam Sách) bị chết trong các ngày 28 và 29/4. Hiện nay, Trung tâm Quan trắc & Phân tích môi trường Hải Dương đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm nguyên nhân khiến chỉ tiêu nước trên sông Thái Bình không đạt chuẩn.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Vũ Mạnh Tưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương, cho biết: Để hạn chế và giảm thiểu thiệt hại, cá chết ở một số sông trên địa bàn tỉnh Hải Dương vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường để xem xét, đề nghị: Tổng Cục môi trường chỉ đạo bộ phậm chuyên môn, chủ trì phối hợp với các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu rà soát, kiểm tra, xử lý… các cơ sở có nguồn xả thải không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào hệ thống sông thuộc lưu vực sông Cầu theo quy định.
Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương tăng cường công tác phối hợp, vởi Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh lưu vực sông Cấu, chủ động nắm bắt thông tin về chất lượng nước sông, hiện tượng ô nhiễm môi trường, tổ chức quan trắc môi trường tại điểm tiếp nhận nước sông vảo tỉnh để phát hiện kịp thời tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thông tin cảnh báo các địa phương để điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước, áp dụng các biện pháp ứng phỏ để giảm thiểu tối đa tác động ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm, từ phía thượng nguồn chảy về. UBND các huyện chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với UBND xã tăng cường hoạt động giám sát địa bàn, phát hiện xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả thải không đảm bảo quy định đối với hoạt động nuôi cá lồng, phát hiện xử lý kịp thời các vụ cá chết, kiểm soát xử lý chất thải phát sinh để không gây ô nhiễm môi trường, hoặc phát tán mầm bệnh, trong trường hợp nguyên nhân cá chết do dịch bệnh.