GEF: Tổ chức cung cấp nguồn vốn công lớn nhất toàn cầu cho các dự án môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 17:18, 17/05/2018

(TN&MT) - Ra đời từ năm 1991, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thành lập nhằm mục đích giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, GEF là quỹ tài chính cung cấp nguồn vốn công lớn nhất thế giới cho các dự án về môi trường.

183 thành viên và 4.000 dự án môi trường được hưởng lợi

Được thành lập tự năm 1991 tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất của Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ra đời nhằm mục đích giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, GEF có 183 quốc gia tham gia.

GEF hiện là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. GEF hỗ trợ tài chính trong các lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp, các hoạt động hỗ trợ khác. Theo thống kê, đến nay GEF đã viện trợ 14,5 tỉ đô la Mỹ và huy động thêm 75,4 tỉ đô la Mỹ cho gần 4.000 dự án về môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo 1024x474
Các đại biểu tham dự Hội thảo Khu vực cử tri mở rộng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) 2016.

Về cơ chế hoạt động, Đại Hội đồng GEF gồm đại diện của 183 quốc gia thành viên là cấp điều hành cao nhất của GEF. Đại Hội đồng họp 4 năm một lần để tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên của GEF. Đại Hội đồng chịu trách nhiệm xem xét và phê duyệt các đề xuất sửa đổi các văn kiện của GEF. GEF đã trải qua 05 nhiệm kỳ và đang hoạt động ở nhiệm kỳ thứ 6 trong giai đoạn 2014 - 2018.

GEF 6: Dấu ấn Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia gia nhập GEF từ rất sớm (12/1994), với cơ quan đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tính đến nay, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 153 triệu USD để thực hiện 56 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương.

Nhằm khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, Việt Nam đã quyết định đăng cai tổ chức Đại Hội đồng GEF lần thứ 6 (GEF 6)

Theo kế hoạch, GEF 6 sẽ tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên GEF trong giai đoạn 2014-2018, xem xét phê duyệt các đề xuất sửa đổi với Văn kiện GEF cho giai đoạn 2018-2022. Các sự kiện chính sẽ diễn ra bao gồm:  Phiên họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6; Phiên họp của Hội đồng GEF; Hội nghị bàn tròn cấp cao (14 Phiên); Cuộc họp của các tổ chức dân sự xã hội; Các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (08 Cuộc họp); Chuỗi các sự kiện bên lề, các gian hàng triển làm (khoảng 50 sự kiện); Thăm quan thực địa các dự án do GEF tài trợ.

GEF 1
GEF có vai trò lớn đối với phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo dự kiến, Hội nghị GEF 6 được tổ chức trong các ngày từ 23-29 tháng 6 năm 2018.  Với sự tham gia của lãnh đạo cấp Bộ trưởng Môi trường và đại diện của 183 quốc gia thành viên, 17 tổ chức quốc tế, và khoảng 150 tổ chức phi chính phủ về môi trường. Về phía Việt Nam, có sự góp mặt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Lãnh đạo một số các địa phương; Các nhà khoa học, các doanh nhân, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí…

Nhằm đảm bảo Đại Hội đồng GEF 6 thành công với các dấu ấn Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Thư ký GEF để cân nhắc một số sáng kiến như:

- Thúc đẩy hợp tác sử dụng bền vững các vùng nước xuyên biên giới và phát triển kinh tế; hỗ trợ đầu tư để cân bằng các loại hình sử dụng nước trong quản lý nước mặt và nước ngầm xuyên biên giới và tăng cường hợp tác đa quốc gia;

- Sáng kiến thực hiện dự án cấp quốc gia hoặc khu vực về xây dựng kế hoạch chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất; bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết; đảm bảo nông nghiệp trong tương lai: sử dụng bền vững nguồn gen thực vật và động vât; thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học và Nagoya về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen;

- Đề xuất các hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động để triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đóng góp chính thức do quốc gia quyết định (NDC); các dự án về cắt giảm khí nhà kính về biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông; các dự án về năng lượng tái tạo…

- Thúc đẩy quan tâm chung của các nước thành viên đang phát triển về tăng trưởng xanh, quản lý bền vững nguồn nước và rừng, quản lý hóa chất và chất thải nguy hại, đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng công cụ kinh tế trong giải quyết các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học…

Một số hoạt động cụ thể sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị có thể kể đến như:

- Đối thoại giữa các nước thành viên GEF, các tổ chức thực hiện của GEF, Ban Tư vấn Khoa học Kỹ thuật của GEF về các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững, vùng nước quốc tế;

- Gặp gỡ, tiếp xúc song phương để làm sâu sắc hơn quan hệ với các thành viên GEF, trong đó chú trọng các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... và các tổ chức thực hiện GEF quan trọng như WB, ADB, UNDP, UNEP;

-Tổ chức một số sự kiện bên lề về “Quản lý rác thải biển”, “Thúc đẩy tính chống chịu khí hậu và bền vững của các thành phố dễ bị tổn thương”; “Chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu”…;

- Trưng bày, triển lãm thành tựu của Việt Nam, các quốc gia thành viên khác và các cơ quan thực hiện GEF trong khuôn khổ thực hiện các dự án GEF.

Với tất cả những nỗ lực trên, Việt Nam chủ động và tích cực, nâng cao vị thế trong GEF toàn cầu, thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.