Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm

Tin tức - Ngày đăng : 08:48, 06/05/2018

(TN&MT) - Đã nhiều năm qua, người dân thôn Bễ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) luôn phải sống trong cảnh “ngộp thở” vì ô nhiễm môi trường. Dù đã nhiều lần, các hộ dân trong thôn đồng loạt làm đơn “kêu cứu” đến các cấp chính quyền, nhưng tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn, từ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, tái chế nhưa… với đủ các loại mùi đặc trưng: Khăm khẳm, khét lẹt và nước thải “vô tư” xả trực tiếp ra môi trường. Không hiểu sao, những cơ sở sát khu dân cư này, nhiều năm vẫn ngang nhiên tồn tại “hành” dân…?
unnamed
Nơi các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm nhựa bị “tố” hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ dừng chân ở thôn Bễ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chừng vài phút, chúng tôi thấy nôn nao, khó chịu… bởi mùi thối khẳm, két lẹt của các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, tái chế nhựa cách vài bước chân với khu dân cư. Khi biết chúng tôi là phóng viên, đến tìm hiểu tình hình thực tế về ô nhiễm môi trường, người dân của cả dãy giáp cơ sở sản xuất của thôn Bễ giáp kéo đến, như để “xả” hết nỗi thống khổ mà nhiều năm qua họ bị “tra tấn” vì ô nhiễm không khí, nước thải bủa vây.
 

Bà Nguyễn Thị Huệ, vừa nói vừa chỉ tay vào đứa cháu bế theo: “Chúng tôi già rồi có hít thở mùi độc hại bệnh tật có chết đi không tiếc, nhưng chỉ thương bọn con trẻ sống trong không khí ô nhiễm môi trường, nên quanh năm ngày tháng ốm đau, dặt dẹo… không biết tương lai sau này của chúng nó ra sao. Người dân trong thôn rất bức xúc, nhiều lần làm đơn và liên tục có kiến nghị với thôn, chính quyền thị trấn nhưng tất cả đều rơi vào “im lặng” khó hiểu. Các cơ sở này không những làm ô nhiễm môi trường không khí, mà còn xả thải trực tiếp ra mương nước của thôn, khiến mương nước đen ngòm, đặc quánh bốc mùi hôi tanh và cả tiếng máy móc ầm ầm, khiến các gia đình “ăn không ngon, ngủ không yên”. Các hộ dân trong thôn này, bao năm qua phải sống cuộc sống “khốn khổ, khốn nạn” không biết các ông cán bộ, cơ quan chức năng ngành tài nguyên, môi trường có thấu…!? Đâu phải sự việc này mới xảy ra vài ngày trước đây, mà đã 5 – 7 năm nay rồi, chúng tôi kêu mãi thì mỏi mồm, nên giờ đành phải sống chung với ô nhiễm, nước thải của các cơ sở này đổ ra, vào mùa mưa thì tràn lên cả đường, nghĩ mà “uất lắm” nhưng đành phải bó tay!”

2
Người dân thôn Bễ, thị trấn Lai Cách bức xúc phản ánh với phóng viên về tình trạng ô nhiễm trong thôn


Dù không có việc làm, cuộc sống có khó khăn, nhưng gia đình tôi không bao giờ cho con tôi làm bên cơ sở sản xuất cám này nữa – bà Nguyễn Thị Tuất, thôn Bễ có con làm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, nhưng chưa đầy hai hôm phải bỏ việc. Bởi do, con bà Tuất không thể chịu đựng được độc hại, ô nhiễm từ việc hàng ngày phải “hít thở” mùi hôi thối, do phải làm công việc phơi các loại nguyên liệu làm cám. Qua đó, người dân thôn Bễ phần nào biết được nguyên nhân, nhiều năm phải sống chung với ô nhiễm, bao trùm ngày đêm không khí hôi thối là do đâu. Không những vậy, trong khu vực của các cơ sở làm cám tư nhân này đang “tồn tại” song hành cả cơ sở nhựa. Các cơ sở làm chung “lẫn lộn” ở một khu, không có hệ thống xử lý nước thải, nên nước thải từ đó đổ thẳng ra mương thoát nước của thôn. Nước luôn trong tình trạng đen sì, bốc mùi thối khẳm…

3
Theo người dân mương nước của thôn ô nhiễm là do cơ sở này thải thẳng ra môi trường

Do ở gần các cơ sở sản xuất, nên nhà tôi luôn phải “cửa đóng, then cài” để tránh mùi hôi thối, ú uế xộc vào nhà – bà Nguyễn Thị Ngọt, than phiền: “Khổ nhất là nhà có trẻ nhỏ, chúng hít phải mùi này thường xuyên ho khan, sổ mũi… ngày cũng như đêm, người dân không tài nào chịu được. Cực nhất là vào bữa cơm sum họp gia đình, những hôm gió to đưa mùi tạt vào chỉ trực muốn nôn mửa. Người dân trong thôn đã làm đơn thư kiến nghị, ý kiến với chính quyền thôn và tiếp xúc cử tri, nhưng sự việc không được chuyển biến nên nay mọi người thấy “nản”. Cùng người dân thôn Bễ, tôi tha thiết, mong mỏi cơ quan báo chí phản ánh lên công luận, để có biện pháp xử lý nghiêm minh các cơ sở gây ô nhiễm, trả lại môi trường sống trong lành. Yêu cầu các cơ sở hiện đang sản xuất ở gần khu dân cư, không được xả nước thải vào mương nước của thôn, không những ảnh hưởng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mà khi ngấm xuống lòng đất sẽ làm ảnh hưởng lâu dài, đến đời sống, sinh hoạt sau này”.
 

Đến gia đình nào ở thôn Bễ, thị trấn Lai Cách, chúng tôi cũng nhận được phản ánh, bức xúc của các hộ dân về tình trạng ô nhiễm nhiều năm qua đang phải gánh chịu hậu quả. Dư luận còn đặt câu hỏi nghi ngờ về trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường, chính quyền để cho các cơ sở không đảm bảo về môi trường “vô tư” hoạt động, hành hạ đời sống của dân nhưng không hề bị xử lý, hay ở đây đang có “uẩn khúc” gì…? Cũng theo ý kiến của người dân thôn Bễ, thì các cơ sở này đều là sản xuất của tư nhân “mua đi, bán lại” công nghệ máy móc cũ kỹ, các công đoạn chủ yếu làm thủ công thô sơ… do vậy, mức độ ô nhiễm ngày một tăng lên theo cấp số nhân. Một số người trong thôn tham gia lao động ở các cơ sở thức ăn chăn nuôi, nhựa khi về đều cho biết: Việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm nhựa…. ở đây đều là làm “chui” hoạt động trái phép, không được các cấp có thẩm quyền cấp phép về lĩnh vực môi trường, do vậy đã “lén lút” vào thuê nhà xưởng hoạt động, như đang có sự “bảo kê” và tất cả cơ sở thức ăn chăn nuôi đều được trương biển hiệu, là: Công ty dinh dưỡng để che mắt “bàn dân, thiên hạ”.
 

Vậy có hay không việc các cơ sở thức ăn chăn nuôi, làm nhựa đang thuê nhà xưởng hoạt động trái phép, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường cho người dân thôn Bễ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương)? Công ty cho các cơ sở cho thuê lại nhà xưởng có chức năng này hay không, việc tại sao các cơ sở này, tồn tại nhiều năm gây bức xúc dư luận, nhưng không được xử lý nguyên nhân do đâu? Trong các cơ sở sản xuất thuê nhà xưởng, không có hệ thống xử lý nước thải, mà đổ thẳng ra môi trường, như phản ánh của người dân có đúng hay không?.
 

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.