Mường Nhé... Nơi đại ngàn thức giấc
Tin tức - Ngày đăng : 10:48, 02/05/2018
Diệu vợi Mường Nhé
Tháng 4, Điện Biên gió Lào thổi ràn rạt, cái nắng nóng đầu hạ kèm theo hiệu ứng gió phơn khiến cây cối khô nỏ, sông suối cạn khô. Người lúc nào cũng như đang sốt nhẹ. Anh bạn đồng nghiệp tôi làm ở đài truyền hình địa phương nhận định: Mùa này rất dễ bị cháy rừng. Nhất là sau Tết Nguyên đán, bà con dân bản đốt nương, than tro bay vào cả giường... Khiếp nhất là cảnh cháy rừng Nậm Pọng (huyện Mường Ảng) năm 2017, gió Lào thổi ngọn lửa càng lan nhanh rụi cả cây sống; ngọn lửa đỏ lòm như lưỡi quỷ thè ra liếm đi cả cánh rừng trong nháy mắt, bao nhiêu héc – ta rừng của huyện này cháy thành than hết...
Rồi anh kể cho chúng tôi nghe hệ lụy về các cuộc phá rừng của đồng bào để làm nương: “Đấy..! Em xem, những vạt nương phơi màu nâu gụ đó là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng và mất rừng trên diện rộng của tỉnh Điện Biên. Địa danh anh em mình đang đến cũng vậy, dân di cư tự do vào phá rừng làm rẫy với nhiều hình thức tinh vi, rừng Mường Nhé từ đó bị đốn hạ không thương tiếc. Nhưng cũng may, Mường Nhé vẫn còn bản người Hà Nhì giữ rừng rất tốt...”
Ngồi trong ô tô chúng tôi quan sát hai bên lề đường đều có chung một cảm nhận: Rừng Mường Nhé không còn nhiều. Càng vào gần trung tâm huyện thì rừng càng ít. Những ngọn đồi được phủ xanh chủ yếu là diện tích trồng cao su của Công ty CP cao su Mường Nhé. Số còn lại chủ yếu là đất trọc và rừng cây bụi hoặc những trảng cỏ, rừng non, rừng tái sinh đang được bảo vệ khoanh nuôi.
Ba giờ chiều, chúng tôi có mặt tại Trung tâm huyện nghèo Mường Nhé, gió Lào vẫn thổi khô rát. Những ngọn đồi đất cứ đỏ au, khổ nỏ, lạo xạo dưới chân người; đất đang trở mình trong cơn khát. Trung tâm huyện Mường Nhé đìu hiu, thưa người qua lại. Chợ Mường Nhé rất ít hàng nông sản địa phương mà chủ yếu là hàng hóa từ TP. Điện Biên Phủ vận chuyển vào; từ gạo, rau, thịt cho đến những mặt hàng tiêu dùng khác.
Có thể nói, nông sản làm ra tại địa phương không đủ cung cấp cho một khu thị trấn nhỏ của huyện. Nghĩa là, quỹ đất nơi này chưa được đồng bào sử dụng vào sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả và tối đa. Sạp hàng rau của mấy bà buôn héo úa nằm lăn lóc vẫn có người mua... Rất hiếm hàng có rau tươi của đồng bào vừa hái bán; càng làm tăng thêm sự tẻ nhạt, buồn bã, khô cằn của mảnh đất xa xôi và diệu vợi.
Chúng tôi nghỉ lại trung tâm huyện để ngày mai tiếp tục hành trình đi tìm những bản Hà Nhì coi rừng là báu vật. Đêm Mường Nhé đón cơn mưa rừng đột ngột dội về ào ạt, mưa xối xả. Tôi nhủ thầm: “Cơn mưa vàng” này sẽ giúp làm ẩm đất để đồng bào tra hạt nay mai. Không biết đường vào bản ngày mai có bị sạt hay không..?
Vũ khúc... đại ngàn
Xe chúng tôi xuyên rừng Mường Nhé thẳng tiến lên xã Sen Thượng. Mặt trời con sào chúng tôi có mặt ở Sen Thượng, gập ghềnh lắc lư chắn rồi cũng đến được Tả Ló San, bản xa nhất của xã (cách Trung tâm xã Sen Thượng khoảng 30 cây số đi về hướng Tây). Bản có nhõn 19 nóc nhà, 100% là người Hà Nhì quản lý trên 2700 ha rừng.
Nghe chị Đặng Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Phụ trách Quỹ chi trả DVMTR kể thì đây là một bản có diện tích rừng được bảo vệ tốt nhất huyện Mường Nhé. Và trong năm 2017, chỉ tính riêng bản Tả Ló San nhận được khoảng 2,2 tỷ đồng từ Quỹ chi trả DVMTR. Đây là số tiền người dân được nhận tự sự ủy thác chi trả từ 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và Công ty nước sạch Vinaconex.
Có lẽ họ chờ chúng tôi từ rất sớm. Xe chúng tôi mới đến họ đã ùa ra chào, vẻ mặt ai cũng rạng rỡ vui tươi. Đôi bàn tay dính đầy nhựa cây đen đúa của ông Lỳ Khò Chừ, trưởng bản Tả Ló San, run run khi cầm cọc tiền của cả bản được gói trong chiếc mũ tai bèo. Ông kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày gia đình mình và bà con dân bản giữ rừng, cả những tháng ngày họ chưa thể sống được từ rừng.
Bản Tả Ló San chuyển về đây từ năm 1999, theo cuộc vận động giãn dân lên biên giới Việt – Trung của huyện Mường Tè (cũ) nay là huyện Mường Nhé để giữ đất Việt Nam. Những năm đầu lên nơi ở mới, cuộc sống người dân cực khổ. Đường đi không có, bản gần như tách biệt, mọi thứ tự cung tự cấp không có sự giao thương với bên ngoài. Trước kia, người dân Tả Ló San chưa nhận được tiền chi trả DVMTR, cả bản sống nhờ thu lượm những lâm sản phụ và cấy thêm chút ít ruộng bậc thang. Cũng chính vì khó khăn nên nhiều hộ dân đã chuyển về nơi ở cũ, chỉ còn hơn chục hộ ở lại.
Dân bản Tả Ló San từ lâu đã gắn bó với rừng, trân trọng những cánh rừng. Họ sống giữa bạt ngàn rừng núi, họ giữ rừng như giữ báu vật... Năm qua đi, tháng qua đi, những cánh rừng nơi đồng bào dân tộc Mông di cư đến ngày càng vơi đi dần thì diện tích rừng của người Hà Nhì, bản Tả Ló San vẫn ngút ngàn xanh. Và họ tuyệt nhiên không để bất cứ người lạ nào xâm chiếm đất rừng và đất bản để ngụ cư. Chính vì vậy bản Tả Ló San không có đồng bào di cư đến, nên có cơ hội phá rừng để làm nương lại càng hiếm xảy ra.
Hơn ai hết, họ hiểu rằng rừng là cuộc sống của mỗi gia đình. Hương ước bảo vệ rừng được dân bản đề ra, được truyền từ đời này sang đời khác. Những đứa trẻ từ khi biết nhận thức đã được bố mẹ, ông bà truyền dạy những luật tục của dân tộc mình về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, nhất là những khu rừng thiêng của bản. Bản Tả Ló San, trung bình mỗi tháng 3 - 4 lần dân bản cắt cử nhau đi tuần tra bảo vệ rừng để loại trừ những kẻ xấu xâm phạm rừng, kịp thời báo cho chính quyền có phương án hỗ trợ bảo vệ rừng.
Khoát tay chỉ lên cánh rừng đầu bản, trưởng bản Lỳ Khò Chừ, tự hào: “Đấy..! Khu rừng thiêng của bản Tả Ló San nằm đó, rừng từ ông cha ngày xưa để lại và gìn giữ. Chúng tôi gọi là khu rừng “Gà ma gà sò”, ở đó có cây to thiêng lắm, chim thú đến sinh sống không bị xâm hại, trong rừng hiện còn nhiều loài động vật quý hiếm như: khỉ, lợn rừng... được chúng tôi bảo vệ nghiêm ngặt. Không những giữ rừng, bảo vệ rừng mà hằng năm chúng tôi đều tổ chức lễ cúng rừng. Cứ tháng 3 hàng năm, dân bản chúng tôi lại góp lợn, tổ chức lễ cúng rừng để cúng bái thần linh, thần rừng che chở cho bà con được mùa màng tươi tốt, con cháu được bình an, cuộc sống được ấm no, hạnh phúc...
Từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, cuộc sống của bà con Tả Ló San đã thay đổi, chuyển biến rõ rệt. Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, các công trình phụ trợ được đầu tư, người dân đã chuyền đổi phương thức canh tác và đầu tư giống cây, con. Đồng thời quy hoạch vùng chăn thả gia súc để phát triển mô hình đại gia súc.
Như để chứng minh cho việc giữ rừng của bà con ở Tả Ló San, Trưởng bản Lỳ Khò Chừ dẫn chúng tôi đi tham quan cánh rừng phía cuối bản. Cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý hiếm, thân to 2 vòng tay ôm chẳng vừa. Quá trưa, mặt trời đứng bóng, ánh sáng len lỏi cũng không tìm được cách chạm xuống mặt đất. Trên tán cây, dù có tiếng người nhưng những con sóc nâu vẫn thản nhiên chuyền cành tìm kiếm thức ăn. Tất cả những hình ảnh, thanh âm đó tạo nên vũ khúc bình yên của rừng.
Nhìn rừng ở đây, chúng tôi chợt liên tưởng đến những cánh rừng ở xã Leng Su Sìn, Chung Chải...huyện Mường Nhé. Những nơi đó, phần lớn rừng đã bị tàn phá. Những ngọn núi, ngọn đồi trơ trọi, đất lẫn đá bạc phếch, tàn tro lem luốc. “Hồn của rừng” đang khóc than trước sự vô vọng của những người được sinh ra trong sự chở che của đại ngàn.
Chia tay dân bản Tả Ló San trong niềm vui bịn rịn, chúng tôi trở về Trung tâm xã Sen Thượng bụng đói meo, đôi chân đã mỏi... Thế nhưng mọi thứ đều tan biến khi chúng tôi được biết, số tiền DVMTR năm 2017 được chi trả cho xã Sen Thượng lên tới 8,1 tỷ đồng. Với 7 cộng đồng thôn bản, 100% dân tộc Hà Nhì sinh sống và quản lý trên 10.198ha rừng. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Sen Thượng không xảy ra phá rừng, cháy rừng, công tác quản lý và bảo vệ rừng được chính quyền và người dân thực hiện rất tốt.
Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, chia sẻ: Mỗi người dân Sen Thượng đều ý thức được trách nhiệm giữ rừng, bởi đối với họ, mỗi nhành cây, chiếc lá đều thấm mồ hôi và máu xương của những người giữ rừng, yêu rừng... như cơ thể. Hàng ngày, họ vào rừng chăm sóc, trông nom từng cây, đề cao tinh thần cảnh giác khi có người lạ xâm nhập vào địa bàn, ngăn chặn mưu đồ chặt phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép. Một trong những lý do rừng Sen Thượng được bảo vệ tốt là nhờ chính quyền và nhân dân xã có biện pháp cương quyết đối với làn sóng dân di cư tự do tràn lan, ồ ạt. Khi phát hiện có dân di cư vào địa bàn, chính quyền phối hợp với lực lượng vũ trang trên địa bàn tiến hành trả dân di cư về địa phương, không để họ xâm nhập phá rừng. Cùng với đó, nhân dân trong xã đoàn kết, cùng nhau bảo vệ rừng để được hưởng lợi từ rừng.
Nghe thác nước đang cuộn chảy tạo nên sức vóc của thiên nhiên, rừng đang “trả ơn” cho những người đã biết yêu rừng từ nỗi vất vả, nhọc nhằn. Mối quan hệ biện chứng cộng hưởng của quy luật trả - vay đã được hình thành lên từ đó. Một phần rừng Mường Nhé vì thế mà đang được hồi sinh.