Quảng Nam: Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn
Tin tức - Ngày đăng : 14:23, 10/04/2018
(TN&MT) - Sau hơn 5 năm, Quảng Nam thực hiện Quyết định số 154/QĐ-UBND về quy hoạch quản lý chất thải rắn (giai đoạn 2011-2020) đã góp phần quan trọng trong bảo...
(TN&MT) - Sau hơn 5 năm, Quảng Nam thực hiện Quyết định số 154/QĐ-UBND về quy hoạch quản lý chất thải rắn (giai đoạn 2011-2020) đã góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Khối lượng chất thải rắn (CTR) của tỉnh Quảng Nam hàng năm không ngừng tăng lên, nhưng Quảng Nam lại đang thiếu các hạng mục công trình xử lý rác thải đồng bộ, công suất lớn. Với công nghệ xử lý thủ công, lạc hậu như hiện nay đang phát sinh nhiều bất cập trong công tác xử lý CTR của tỉnh này.
Việc xử lý rác thải hiện nay của tỉnh Quảng Nam chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Trong số 20 bãi rác đang hoạt động chỉ có 6 bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, gồm bãi rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) và 3 bãi chôn lấp ở xã Ba (Đông Giang), Đông Phú (Quế Sơn) và Trà Sơn (Bắc Trà My); 14 bãi rác thủ công còn lại với quy mô diện tích dưới 0,5ha. Hiện cả tỉnh chỉ có một nhà máy sản xuất phân compost xử lý rác sinh hoạt tại phường Cẩm Hà (TP. Hội An) với công suất thiết kế 55 tấn/ngày. Một vấn đề bất cập lớn trong xử lý CTR tại các địa phương của tỉnh Quảng Nam hiện nay là chưa phân loại rác thải tại nguồn một cách triệt để, đã gây khó khăn lớn trong công tác xử lý CTR.
Trước những phát sinh bất cập trong quản lý, thu gom, xử lý CTR hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 3931/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, đề án điều chỉnh Quy hoạch quản lý CTR của tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành. Sở TN&MT Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến từ các Sở, ban, ngành và địa phương về nội dung điều chỉnh quy hoạch CTR trước khi trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt thực hiện. Theo đó, hầu hết các ý kiến từ các Sở, ban, ngành và địa phương đều cơ bản thống nhất với dự thảo điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR mà Sở TN&MT Quảng Nam đã đề xuất.
Tuy nhiên, để đề án triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tế khi thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng: Cần phải có các giải pháp tăng cường khả năng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Lựa chọn hình thức thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý các loại CTR thích hợp, đạt hiệu quả về môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các công trình xử lý CTR trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng cần phải ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đề án, tổ chức cắm mốc giới các khu xử lý rác thải trên địa bàn theo Đề án quy hoạch đã được phê duyệt để giữ quỹ đất và công khai minh bạch về thông tin quy hoạch cho người dân được biết. Đồng thời, giao cho cấp huyện, thị xã, thành phố chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong xử lý CTR để giải quyết lượng rác thải ngày càng phát sinh, cũng như lượng CTR còn tồn đọng chưa xử lý trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đối với hơn 80 ngàn tấn rác tồn đọng hàng chục năm nay tại bãi rác Cẩm Hà, TP. Hội An.
Được biết, 2 đô thị lớn của Quảng Nam là TP. Tam Kỳ và TP. Hội An, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 88 - 95%, trong khi đó, tại khu vực nông thôn và miền núi chỉ đạt 35 - 42%. Đối với CTR công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các làng nghề..., lâu nay phần lớn các chủ nguồn rác thải tự thu gom và hợp đồng xử lý chung với CTR sinh hoạt.