Thừa Thiên Huế: Thịt động vật thối trôi vào bờ biển, gây ô nhiễm

Tin tức - Ngày đăng : 15:10, 10/01/2018

(TN&MT) - Thời gian gần đây, một lượng lớn thịt thối bọc trong các túi ni lông, không rõ nguồn gốc đã trôi dạt trên biển rồi tấp vào ven bờ các xã thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Điều này khiến môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện...

Thịt thối gây ô nhiễm

Nhận được phản ánh của người dân xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc tình trạng thịt động vật đã phân hủy nặng rồi trôi dạt vào ven bờ, bãi cát hơn 1 tuần qua, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cũng như môi trường du lịch; PV đã đến hiện trường để tìm hiểu.
 

Hàng trăm kg thịt thối nằm trong các túi ni lông, thùng xốp trôi dạt vào bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Hàng trăm kg thịt thối nằm trong các túi ni lông, thùng xốp trôi dạt vào bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế


Theo ghi nhận, trên bãi biển xuất hiện các túi được gói rất kỹ bằng ni lông, còn có cả những thùng xốp. Quan sát bên trong các túi là thịt động vật đã thối, bốc mùi hôi nồng nặc, một số túi khi mở ra có cả dấu kiểm dịch trên thịt, không có thông tin gì thêm ở các túi hàng.

Ông Nguyễn Văn Vinh (trú tại xã Lộc Vĩnh) cho hay: “Các túi nilon đựng thịt thối trôi dạt vào bờ từ nhiều ngày qua. Khi có nắng lên, mùi thối theo gió lan rộng ra các nơi, chúng tôi phải mang chôn lấp tạm thời dưới cát vì mùi hôi thối nồng nặc không chịu được, có thể dịch bệnh nữa...”.

“Ngoài mùi hôi thì khi đánh bắt trên biển gần bờ, trung bờ thì các túi thịt này mắc vào lưới, gây nhiều khó khăn cho ngư dân”, anh Nguyễn Văn Qua (thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) nói.
 

Các túi thịt được gói rất kỹ, vuông vắn như những kiện hàng
Các túi thịt được gói rất kỹ, vuông vắn như những kiện hàng


Ông Lê Công Minh- Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, hiện tượng các túi ni lông, thùng xốp bên trong chứa thịt động vật thối dạt vào bờ biển Lộc Vĩnh xuất hiện trong 3 ngày là mồng 1, mồng 5 và mồng 6/1. Các túi dạt vào rải rác ở các thôn Bình An 1, Bình An 2 và Phú Hải với khối lượng mỗi bì từ 1- 5kg. Do các túi ni lông dạt vào bờ rải rác trong ngày, lực lượng chức năng chưa phát hiện kịp thì có một số người dân mang đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp gần bờ nhưng số lượng không đáng kể.

“Các túi được gói rất kỹ, vuông vắn như những kiện hàng. Sau khi phát hiện, xã đã báo cáo lên huyện, đồng thời phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chân Mây tiến hành thu gom và tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp ở các rừng dương, xa khu dân cư, khử trùng bằng vôi...”, ông Minh thông tin.
 

Việc chôn lấp sơ sài, không đảm bảo vệ sinh môi trường
Việc chôn lấp sơ sài, không đảm bảo vệ sinh môi trường


Cũng theo quan sát của PV, việc chôn lấp số lượng lớn sản phẩm động vật chưa rõ nguồn gốc trên được các lực lượng và người dân thực hiện khá sơ sài, “nghiệp dư”; không hề có hướng dẫn chuyên môn về tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất hay vôi bột...

Chưa rõ nguồn gốc

Theo quy chế phân cấp, phân quyền của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì vấn đề này sẽ do Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm xử lý đầu tiên. Ông Nguyễn Quê- Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, hiện nay cán bộ phụ trách công tác môi trường của đơn vị đang kiểm tra nhằm báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý tiếp theo. “Đơn vị chỉ kiểm tra về môi trường công nghiệp, du lịch, xả thải... còn xử lý về mặt môi trường biển thì thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT cùng địa phương”, ông Quê nói.

Trong khi đó, trả lời PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Bá Phúc - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay Sở chưa nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ gì từ phía Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh và nếu cần sự hỗ trợ về môi trường biển thì Sở sẽ vào cuộc...
 

Những ụ đất lớn từ việc chôn lấp, nằm ngay sát biển...
Những ụ đất lớn từ việc chôn lấp, nằm ngay sát biển...

 Được biết, qua kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, có khoảng 500 kg thịt động vật trôi dạt vào bờ biển của các địa phương. Các dấu kiểm dịch của cơ quan thú y đều bị mờ, không thể đọc được. Hiện vẫn chưa xác định nguồn thịt này từ đâu tới, chưa có đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường...

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã khuyến cáo các địa phương, thú y cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nguồn thịt động vật sau khi giết mổ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chú trọng các tuyến đường bộ của các xã ven biển. Trong trường hợp phát hiện thịt không rõ nguồn gốc, bị bỏ trôi dạt cần báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y xã để tiến hành chôn lấp, tiêu độc khử trùng đúng quy trình, tiêu chuẩn tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...