Bình Định: Người dân Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh sống chung với ô nhiễm

Tin tức - Ngày đăng : 17:32, 03/01/2018

(TN&MT) - Làng nghề truyền thống Bún tươi Ngãi Chánh là một trong 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bình Định công nhận tại Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 24/8/2007. Mặc dù nghề sản xuất Bún tươi Ngãi Chánh giúp đời sống người dân trong làng có nguồn thu nhập ổn định hoặc khá, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng ngày càng nghiêm trọng.
Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh ở thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn tồn tại hàng trăm năm nay
Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh ở thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn tồn tại hàng trăm năm nay

Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh ở thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn tồn tại hàng trăm năm nay. Trong làng có gần 800 hộ dân sinh sống và làm nghề sản xuất bún tươi. Trước đây khi sản xuất bún bằng thủ công thì các hộ tự làm riêng lẻ, nhà ai nấy làm, tự sản xuất, tự tiêu thụ ra thị trường.

Thế nhưng khi đầu tư máy sản xuất bún, các hộ dân trong làng không làm riêng lẻ cá nhân hộ gia đình mà tập trung sản xuất bún với số lượng lớn. Bởi vậy mà số lượng hộ gia đình làm bún cũng giảm đáng kể. Hiện trong làng có 20 hộ dân đầu tư sản xuất bún bằng máy, 70 hộ dân kinh doanh sản xuất bún.

Sản xuất bún bằng máy tại một hộ dân trong Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh
Sản xuất bún bằng máy tại một hộ dân trong Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh

Khi sản xuất bún bằng thủ công, làng nghề bún cung cấp khoảng 100kg bún/ngày, nhưng nay sản xuất bằng máy thì tăng lên 5-10 tấn/ngày. Số lượng bún tăng lên đồng nghĩa với lượng nước thải sản xuất bún cũng tăng lên trong khi hệ thống xử lý nước thải cho các hộ làm bún tại làng nghề chưa được đầu tư xây dựng.

Nước thải sản xuất bún và nước chăn nuôi heo chảy ra mương nước phục vụ tươi tiêu gây mùi hôi thối ô nhiễm môi trường trong Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh
Nước thải sản xuất bún và nước chăn nuôi heo chảy ra mương nước phục vụ tươi tiêu gây mùi hôi thối ô nhiễm môi trường trong Làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh

Từ nhiều năm nay số lượng nước thải làm bún chỉ qua hệ thống thu gom nước thải của địa phương, các hộ dân tự bắt ống đặt ngầm dưới đất dẫn nước thải sản xuất bún chảy ra ruộng, qua gò, mương thoát nước, mương phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp trong thôn cộng với nước thải chăn nuôi của các hộ dân gây mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân trong làng nghề.

Bún tươi Ngãi Chánh được chở đi tiêu thụ trong tỉnh
Bún tươi Ngãi Chánh được chở đi tiêu thụ trong tỉnh

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Giả Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu cho biết, trước đây khi các hộ dân sản xuất bún riêng lẻ thì ô nhiễm cả làng, nhưng khi chuyển sang sản xuất bún bằng máy thì chỉ tập trung ô nhiễm tại 20 hộ dân đầu tư sản xuất bún bằng máy. Hiện tại, các hộ dân sản xuất bún xả nước thải ra ruộng, mương. Vì các hộ dân sản xuất bún luôn kèm theo chăn nuôi heo nên người dân yêu cầu địa phương quy hoạch tập trung khu sản xuất làm bún kết hợp với chăn nuôi heo. Nếu tách riêng khu sản xuất bún và khu chăn nuôi heo thì các hộ dân không đồng ý.

"Chúng tôi không thể thống nhất với ý kiến của người dân vì lo sợ nguy cơ lây lan ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn khi quy hoạch khu sản xuất bún chung với khu chăn nuôi heo. Đây là nỗi băn khoan khó giải quyết của UBND xã hiện nay. UBND xã đang xây dựng đề án đầu tư hệ thống xử lý nước thải sản xuất bún tại làng nghề. Chỉ khi nào xây dựng được hệ thống xử lý nước thải mới có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường tại Làng nghề truyền thống Bún tươi Ngãi Chánh”, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu thông tin.