Cảnh báo từ 'Đại khai khoáng Hà Giang': Đánh đổi rừng - được 1 mất 10!

Tin tức - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2017

(TN&MT) - Tại Hà Giang xuất hiện tình trạng đánh đổi rừng để khai thác khoáng sản, trong khi trồng rừng thay thế chỉ đạt 30 – 40%.
(TN&MT) - Tại Hà Giang xuất hiện tình trạng đánh đổi rừng để khai thác khoáng sản, trong khi trồng rừng thay thế chỉ đạt 30 – 40%.
 
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy vậy, tại Hà Giang xuất hiện tình trạng đánh đổi rừng để khai thác khoáng sản, trong khi trồng rừng thay thế chỉ đạt 30 – 40%. Điều này dẫn tới diện tích rừng ngày càng thu hẹp, gây nhiều hệ lụy về môi trường. Trong khi lợi ích đem lại không lớn, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trốn, nợ thuế phí gây tổn thất cho ngân sách Nhà nước.
 
30 – 40% cây trồng bù còn sống
 
Ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Giang cho biết, hầu hết các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều nằm trên đất rừng. Theo đó, để phục vụ khai thác, địa phương phải chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng tương đối lớn, đơn cử, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã chuyển đổi mục đích sử dụng 1.394 ha rừng sản xuất, 525 ha rừng phòng hộ và 39 ha rừng đặc dụng để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế, trong đó, chủ yếu là khai thác khoáng sản, thủy điện... 
 
Nhiều diện tích rừng đặc dụng bị thu hẹp do khai thác khoáng sản - Ảnh MH
Nhiều diện tích rừng đặc dụng bị thu hẹp do khai thác khoáng sản - Ảnh MH
Chính phủ quy định các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản phải có phương án, trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc nộp tiền nếu doanh nghiệp không có điều kiện, quỹ đất trồng rừng thay thế. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp nhận khoản thu này, quản lý số tiền trồng rừng thay thế, giải ngân theo phê duyệt của UBND tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế. Tuy vậy, con số này tại Hà Giang đạt rất thấp, chất lượng kém.
 
Theo Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang, chất lượng rừng do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trồng có tỷ lệ cây sống thấp, chỉ khoảng 30 – 40%.  Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không quan tâm tới việc trồng rừng thay thế theo quy định, không đôn đốc các đơn vị nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng… 
 
Xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) là tâm điểm gây chú ý nhất trong số các xã đang gồng mình ngày đêm gánh hậu quả từ khai thác khoáng sản. Trên địa bàn xã có 8 điểm mỏ được cấp phép với tổng diện tích là 465 ha. Như vậy, để có điều kiện cho 8 điểm mỏ này, đã có 465 ha rừng nằm trong “quy hoạch”, chuyển đổi mục đích sử dụng.  
 
Riêng mỏ khai thác sắt Sàng Thần của Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản An Thông với tổng diện tích 26,1 ha có tới 9,8 ha rừng đặc dụng (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già) được chuyển đổi mục đích sử dụng. Trữ lượng rừng bị mất đi do phải chặt hạ cho khai trường tại mỏ này tương đương hơn 1.700 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII như: đinh, nghiến, trai, sồi, sến, trám...
 
Bên cạnh đó, việc chặt hạ rừng đầu nguồn, cùng với việc sử dụng một lượng nước quá lớn từ nguồn nước đã làm ảnh hưởng lớn các hộ dân khu vực xung quanh. Đơn cử, Công ty An Thông sử dụng hơn 1.300 m3 nước/ngày đêm cho việc tuyển quặng đã làm suy giảm, cạn kiệt đáng kể nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại 5 thôn lân cận là: Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba, Ngọc Trì. Vào mùa khô, người dân ở một số thôn bản phải đi gánh nước từ những nơi khác về để sử dụng cho sinh hoạt.
 
Cảnh báo từ Đại khai  khoáng Hà Giang
Đánh đổi rừng - được 1 mất 10!
Ông Bùi Minh Tân, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cho biết: Khai thác khoáng sản không tránh được tác động đến môi trường, toàn bộ khu vực khai thác nằm trong đất rừng sản xuất. Khi Công ty An Thông vào khai thác, công ty mở đường tránh nơi trung tâm, một số hộ dân không di dời, một số trường học gần đường được lắp kính chống ồn. Theo quan điểm của ngành, trách nhiệm của Công ty An Thông đối với môi trường ở địa phương là tốt.
 
Mất nhiều hơn được
 
Theo nghiên cứu, đánh giá của Trung tâm Con người và Thiên nhiên trong vòng 10 năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản ở Hà Giang diễn ra như một “đại khai khoáng” và báo động thực tế “mất nhiều hơn được”. Nhiều cảnh báo về hậu họa do khai thác khoáng sản đã được đưa ra cho Hà Giang trong những năm gần đây. Song, đến thời điểm hiện tại, chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang vẫn coi khai thác khoáng sản là một trong bốn mũi nhọn sau du lịch, thủy điện và kinh tế cửa khẩu. 
 
Để giải quyết vấn đề này, ông Hoàng Văn Nhu cho rằng, các cơ quan quản lý tỉnh Hà Giang cần xem xét nghiêm ngặt đối với dự án khai thác khoáng sản chiếm diện tích đất rừng lớn, đặc biệt là rừng đặc dụng. Tuyệt đối không cấp phép khai thác điểm mỏ mới và mở rộng diện tích khai thác ảnh hưởng đến rừng. Đồng thời, xử lý mạnh, kiên quyết thu hồi, đóng cửa đối với các điểm mỏ chây ỳ không thực hiện các nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Đối với những diện tích rừng do doanh nghiệp đã trồng thay thế các cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên đảm bảo rừng trồng thay thế phát triển tốt. 
 
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo sinh kế cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề ở những khu vực khai thác mỏ có cuộc sống ổn định. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch và đủ cho người dân địa phương, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để có giải pháp lâu dài.
 
Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi khai thác khoáng sản, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản nhằm hạn chế, giảm thiểu bụi, tiếng ồn, chấn động rung do nổ mìn, thu gom, xử lý triệt để bùn, đất, nước thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tích cực trồng cây xanh xung quanh khu vực khai thác và dọc theo các tuyến đường. Trồng rừng thay thế và các quy định về phục hồi môi trường. Việc giám sát các hoạt động của doanh nghiệp cần thiết phải được tiến hành bởi cộng đồng và chính quyền địa phương.
 
Trường Vũ