Phát triển dược liệu Tây Bắc cần chiến lược quy hoạch chính sách cụ thể
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 16/12/2017
Ông Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu khai mạc hội nghị. |
Tham dự Hội nghị, có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng đại diện lãnh đạo Bộ Y tế. Phía tỉnh Lào Cai có ông Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu, có điều kiện để hình thành và phát triển công nghiệp dược liệu. Xu hướng gia tăng việc sử dụng thuốc và các sản phẩm về dược liệu trên thế giới hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành dược liệu nước ta phát triển.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển dược liệu và y dược cổ truyền. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng về phát triển cây dược liệu với chiến lược quy hoạch chính sách cụ thể. Điển hình như “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ban hành theo Quyết định số 1976 năm 2013; “Chiến lược Quốc gia về Phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”… Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách cụ thể có liên quan đến phát triển dược liệu, nhờ đó ngành dược liệu nói chung và dược liệu vùng Tây Bắc nói riêng, cũng đã có những bước phát triển khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược liệu phát triển còn chậm, lợi thế của y dược cổ truyền, y học dân tộc chưa phát huy tốt. Đến nay, ngành dược liệu chưa trở thành ngành kinh tế tương xứng với tiềm năng, giá trị kinh tế tạo ra còn thấp, số lượng các doanh nghiệp dược còn ít, đa số quy mô còn nhỏ, năng suất thấp, chưa có vị thế trong sản xuất, xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế.
Để triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển cây dược liệu tại vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần đánh giá đúng, toàn diện thực trạng, tiềm năng phát triển dược liệu trên địa bàn vùng Tây Bắc. Từ đó, xác định các loại dược liệu để phát triển của từng địa phương, của vùng Tây Bắc, đề ra phương thức, giải pháp trồng, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn.
Ông Bình yêu cầu: Các bộ, ban ngành cần phải bám sát, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu thực tế mà Tây Bắc đang đặt ra. Cần nghiên cứu để xây dựng được bản đồ quy hoạch các loại dược liệu; xác định được các loại cây ưu thế, có chất lượng phù hợp với thổ nhưỡng của mỗi địa phương; xây dựng được chuỗi giá trị gia tăng từ ươm giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ dược liệu; đề ra được giải pháp tổng thể về trồng, khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu của vùng Tây Bắc và của từng địa phương… Đồng thời, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển dược liệu đối với vùng Tây Bắc, giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện các đề án, dự án phát triển dược liệu. Đặc biệt, đề xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển dược liệu, y dược cổ truyền đối với tỉnh Lào Cai, địa phương được chọn làm thí điểm trên địa bàn vùng Tây Bắc theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu tham dự hội nghị tham quan các gian hàng triển lãm các sản phẩm từ dược liệu |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai cho biết: Lào Cai là tỉnh có nhiều loại cây dược liệu quý với số lượng hàng trăm loài như: Sâm Ngọc Linh, Tam Thất hoang, Chè dây, Giảo Cổ Lam, Đỗ Trọng... Vào những năm 1960-1970 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 2 khu vực trồng cây dược liệu mạnh là Trại nghiên cứu cây thuốc (tại Sa Pa) và Nông trường dược liệu tại xã Na Hối, Nậm Mòn (huyện Bắc Hà). Đây là 2 địa chỉ nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất một số loại dược liệu (Đương quy, Tam thất, Đỗ trọng, Sinh địa, Xuyên khung, Độc hoạt,... ) có diện tích trên 1.000 ha. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi từ sản xuất kế hoạch sang cơ chế thị trường nên cây dược liệu đã không bắt kịp cơ chế, nhiều loại cây trồng đã không còn trên địa bàn; cùng với quá trình khai thác tự nhiên quá mức, nhiều loài dược liệu quý đã bị cạn kiệt. Tỉnh Lào Cai mong muốn trồng dược liệu là một trong những ngành tạo ra công ăn việc làm và phát triển bền vững vì vậy rất cần có sự liên kết vùng sản xuất nguyên liệu dược liệu giữa các địa phương, tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu; cần thiết phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tâm huyết, đủ năng lực; đồng thời cũng cần có sự cam kết, cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phù hợp của Nhà nước và chính quyền các địa phương.
Tại hội nghị rất nhiều doanh nghiệp và các công ty đã có những tham luận về trồng và phát triển cây dược liệu cũng như mong muốn có những cơ chế, chính sách, sự phối hợp của các ban, ngành, sự hỗ trợ của địa phương, của các nhà khoa học… trong việc nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu, để tiến tới đưa cây dược liệu phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Tây Bắc.
Kết thức hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, với hơn 500 loài cây dược liệu và vốn tri thức bản địa quý giá, trong đó có nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm có giá trị y dược rất cao, như tam thất hoang, sâm hoàng liên, đảng sâm, ngưu tất, kim tuyến, cây mật gấu, chè dây, giảo cổ lam, đỗ trọng… Tây Bắc cũng là địa bàn sinh sống của cộng đồng hơn 30 dân tộc, có một kho tàng kinh nghiệm quý báu về chế biến và sử dụng cây thuốc của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là vùng có lực lượng lao động địa phương dồi dào, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trên vùng cao núi đá và canh tác trên đất dốc…, là những tiềm năng và cơ hội rất lớn để phát triển cây dược liệu.
Trong "Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" Chính phủ phê duyệt, Tây Bắc được quy hoạch là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm. Thời gian qua, nhiều tỉnh đã chủ động tổ chức quy hoạch các vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu; đã xác định được một số các vùng lợi thế, tiềm năng phát triển, hình thành một số vùng chuyên canh dược liệu như vùng quế ở Yên Bái, Actiso ở Lào Cai… Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác nuôi trồng dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, hình thành được nhiều mô hình phát triển dược liệu gắn với chuỗi giá trị kinh tế cao. Với lợi thế đó, ông Bình tin tưởng rằng, cùng với việc hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và sự quyết tâm, nỗ lực phát triển dược liệu của các địa phương trong vùng Tây Bắc, ngành dược liệu Việt Nam sẽ có những phát triển đột phá. Nhiều vùng dược liệu có chất lượng cao sẽ sớm được triển khai thành công.
Bích Hợp