Nạo vét luồng tuyến tại cảng Hào Hưng và Hòa Phát: Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đề nghị làm đúng quy định của Bộ TN&MT

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/12/2017

(TN&MT) - Nhằm tránh những sai phạm đáng tiếc xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, đảm bảo không ảnh hưởng đến các công trình, dự án lân cận, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện nạo vét, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã có văn bản chỉ đạo đối với việc nạo vét luồng tuyến kết hợp khai thác, sử dụng lượng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng tại cảng Hào Hưng và cảng Hòa Phát (Dung Quất).
Nghiêm cấm bán cát dư thừa trong nước tại 2 dự án nạo vét trên
Nghiêm cấm bán cát dư thừa trong nước tại 2 dự án nạo vét trên

Thực hiện đúng yêu cầu, quy định của Bộ TN&MT

Đối với hoạt động nạo vét luồng tuyến kết hợp khai thác, sử dụng lượng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng tại cảng Hào Hưng và cảng Hòa Phát (Dung Quất), đề nghị Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật và quản lý tổ chức thi công phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công nạo vét 3.296.061 m3 cát nhiễm mặn, bảo đảm không ảnh hưởng đến các đối tượng, công trình và dự án khác xung quanh khu vực khai thác, nạo vét theo đúng yêu cầu, quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại điểm 2.1, khoản 2, Điều 1 Quyết định số 2836/QĐ-BTNMT ngày 13/11/2017.

Gần đây nhất, Chủ tịch Trần Ngọc Căng cũng đã có văn bản đồng ý việc vận chuyển hỗn hợp vật liệu nạo vét dư thừa từ cảng Hào Hưng đến địa điểm tập kết tại mặt bằng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất để tận dụng, phục vụ san nền cho dự án của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cũng như tạo điều kiện cho Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi giải phóng mặt bằng, tiếp tục thực hiện việc nạo vét tuyến luồng và vũng quay tàu tại bến cảng Hào Hưng.

Yêu cầu Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi chịu trách nhiệm đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình thu gom, vận ch​uyển hỗn hợp vật liệu nạo vét dư thừa từ cảng Hào Hưng sang địa điểm tập kết tại mặt bằng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng yêu cầu Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của hoạt động nạo vét luồng tuyến tại cảng Hòa Phát Dung Quất trong thời gian đến, bảo đảm không ảnh hưởng đến các đối tượng, công trình và dự án khác xung quanh khu vực khai thác, nạo vét, đặc biệt là Đê chắn sóng Dung Quất - công trình trọng điểm về an ninh quốc gia, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện (Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2031/QĐ-BTNMT ngày 22/8/2017 chưa có nội dung đánh giá phần nạo vét luồng tàu, vũng quay tàu tại cảng Hòa Phát Dung Quất).

Việc theo dõi, giám sát hoạt động nạo vét tại 2 dự án trên, UBND tỉnh giao Sở TN&MT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi theo chức năng, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nạo vét luồng tuyến kết hợp khai thác,sử dụng lượng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, đảm bảo theo đúng thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật. 

Yêu cầu Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của hoạt động nạo vét luồng tuyến tại cảng Hòa Phát Dung Quất
Yêu cầu Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của hoạt động nạo vét luồng tuyến tại cảng Hòa Phát Dung Quất

Dừng bán cát dư thừa, chờ ý kiến của Chính phủ

Đối với việc cho phép bán cát nhiễm mặn dư thừa sau khi phục vụ san lấp tại cảng Hào Hưng và cảng Hòa Phát Dung Quất, UBND tỉnh sẽ có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được triển khai thực hiện.

Trước đó, tháng 2/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký công văn đồng ý cho Công ty Hào Hưng tận dụng khối lượng cát nạo vét khu nước trước bến và tuyến luồng, vũng quay tàu phục vụ san lấp mặt bằng dự án bến chuyên dùng phục vụ chung KKT Dung Quất. Cảng nằm tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tổng kinh phí xây dựng 123 tỷ đồng.

Trong hồ sơ của công ty này có công văn 1016 của Bộ TN&MT ngày 8/5/2017 cho nạo vét 500.000 m3 cát và đề nghị đổ vào vị trí đang san lấp. Nhưng tại quyết định số 209  ngày 16/3/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt tiền cấp quyền đăng ký khối lượng nạo vét cát nhiễm mặn để san lấp mặt bằng bến cảng thuộc xã Bình Thuận với khối lượng hơn 1,9 triệu m3 trên tổng diện tích được thu hồi cát là hơn 74 ha.

Trong quá trình thực hiện nạo vét, nhiều thông tin về Công ty TNHH MTV Hào Hưng nạo vét cát nhiễm mặn chưa phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng tại cảng mà đem bán san lấp cho các dự án lớn tại Đà Nẵng. Trước thông tin đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi phải ban hành công văn “hỏa tốc” số 4069/UBND-CNXD ngày 6/7/2017 về việc dừng bán cát nhiễm mặn đang tiến hành ở KKT Dung Quất.

Trước đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát về việc xin bán trong nước khối lượng cát nhiễm mặn dư thừa từ nạo vét
Trước đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát về việc xin bán trong nước khối lượng cát nhiễm mặn dư thừa từ nạo vét

Nội dung công văn nêu rõ, qua xem xét đề nghị của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tại công văn số 943/BCH-PCMT&TP ngày 3/7/2017 về việc tạm dừng xuất bán cát nhiễm mặn của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 4/7/2017.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng có ý kiến thống nhất cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất tiếp tục thực hiện việc tận dụng khối lượng vật liệu nạo vét khu vực cảng và tuyến luồng tàu vào cảng để phục vụ san lấp mặt bằng dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất theo chủ trương của UBND tỉnh. Thống nhất việc Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi bổ sung thêm khối lượng cát nạo vét khu nước trước bến và tuyến luồng, vũng quay tàu giai đoạn 2 để phục vụ san lấp mặt bằng dự án bến chuyên dùng phục vụ chung KKT Dung Quất. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dừng thực hiện việc bán trong nước đối với phần vật liệu nạo vét sau khi phục vụ san lấp còn dư thừa.

Kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát tài nguyên

Hiện nay, rất nhiều dự án rất cần một lượng cát “khủng” để san lấp mặt bằng đang và sắp triển khai trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Đơn giá cũng ứng cho các dự này thì thấp, trong khi giá cát múc lên xe được bán tại các mỏ lại quá cao, cao hơn giá cung ứng cho dự án. Chính vì lẻ đó, các nhà thầu chính, nhà thầu phụ, đơn vị vận chuyển đổ xô đi săn lùng nguồn cát nạo vét tại các cửa biển ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Ninh Thuận, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…, sử dụng phương tiện vận chuyển bằng đường thủy về Đà Nẵng thì mới có lợi nhuận.

Trước thực trạng trên, tình trạng lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát vượt phép, khai thác ngoài phạm vi nạo vét, xin phép 2 nhưng khai thác đến 10…, để có thêm nguồn cát cung ứng cho các dự án trên là việc không tránh khỏi. Để giảm thiểu thất thoát tài nguyên của đất nước, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ phát sinh sạt lở vùng bờ trong những mùa mưa bão, đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện giám sát chặt chẽ và áp dụng biện pháp căn cơ nếu phát hiện sai phạm đối với các dự án nạo vét trên địa bàn.              

Bài & ảnh:Võ Hà